Thân Bá Phức

Thân Bá Phức (1822-1898), sinh trưởng trong một gia đình hào phú, thuộc hạng danh gia vọng tộc ở thôn Làng Trũng, xã Ngọc Nham, tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh. Từ ông nội Thân Bá Chỉnh, phụ thân Thân Bá Nghị đến Thân Bá Phức đều nối đời làm Cai tổng Ngọc Cục. Có một điểm chung là ngoài vô số ruộng, tiền, vị nào cũng nhiều thê thiếp. Nếu cụ Cai Nghị, còn gọi là Cai Bờm có 4 cụ bà thì tới Cai Phức (còn gọi là Cai Thương) có tới 5 bà, trong đó bà Ba Ngọng và bà Năm Trẻ Tít là hai chị em ruột - những nữ lưu danh giá ở tổng Vân Cầu, huyện Yên Thế. Đề Thám hồi thơ bé cùng họ hàng lưu lạc đến Vân Cầu, được Cai Nghị đón về làm đày tớ trong nhà, lớn lên được Cai Phức nhận làm cha nuôi, dựng vợ rồi dẫn dắt làm nhiều việc nghĩa.

Những di ngôn truyền lại trong dân chúng đều cho rằng, với vị thế trong xã hội nên mọi cuộc tao loạn xảy ra ở địa phương, từ đầu thế kỷ XIX cho tới những năm 70 của thế kỷ XIX, trong đó có hai cuộc trỗi dậy lớn nhất do Quận Tường lãnh đạo nổ ra ở Ngô Xá (tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế) và Đại Trận cầm đầu xây dựng đồn lũy ở Ngọc Lý (tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng), hầu như các thế thứ trong gia đình và dòng tộc Thân Bá Phức đều không can dự. Tuy nhiên, trước những cuộc cướp bóc, tàn sát dân lành, triệt hạ xóm làng của các đám Thanh phỉ hoặc khi Pháp gây ra sự biến ở Bắc Kỳ vào năm Quý Dậu (1873) và Nhâm Ngọ (1882) ông luôn là người đi đầu trong việc huy động dân chúng đào hào, đắp lũy, dựng làng chiến đấu hoặc mang dân binh về tận Gia Lâm hỗ trợ quân triều đình. Trung tá Péroz - người có mặt tại chiến trường Yên Thế những năm 90 của thế kỷ XIX thừa nhận: "Hầu hết những người ở đây đều đã chống kẻ xâm lược Tàu hoặc Pháp, đôi khi không phải là không thắng lợi. Trong rất nhiều thôn làng vẫn tồn tại những kẻ già nua, những kẻ thoát khỏi vòng chiến, thường làm quân sư khuyên bảo dân chúng nhiều điều rắc rối, hễ có dịp lại sẵn sàng lấy ra khẩu súng bắn nhanh giấu trên xà nhà, trong một ống tre. Cho nên có một cái trái ngược đập vào mắt ta là, so với thái độ của người An Nam ở vùng đồng bằng thì người An Nam ở Yên Thế rất kiêu hãnh dưới cái vỏ lễ phép có suy tính mà ta thấy ngay được dưới những dấu hiệu của sự kính cẩn khoa trương kia có cái bản năng không sợ đánh nhau mà ta cần kể đến".

Bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời Thân Bá Phức xảy ra ngay sau khi quân Pháp vừa hạ xong thành Tỉnh Đạo, đang trên đường tiến lên Thái Nguyên (16-3-1884). Số là một toán cướp trong vùng do Lãnh Tư cầm đầu, lợi dụng tình thế hỗn loạn đó đã đến cướp phá làng Nhã Nam. Hay tin, Thân Bá Phức nhanh chóng đem thủ hạ đến giải vây, đánh đuổi bọn cướp. Bouchét trong cuốn Au tonkin. La vie anventureuse de Hoang Hoa Tham, chef pirate (Ở Bắc Kỳ. Cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám, tướng giặc) xác nhận rằng, "Bá Phức - Chánh tổng Ngọc Cục cũng là một toán cướp, bởi những lần đi ăn cướp vào năm 1882 (chỉ những lần Bá Phức mang lực lượng về hỗ trợ quân đội triều đình ở Gia Lâm khi quân Pháp đánh Bắc Kỳ). Một hôm vào năm 1884, người ta báo cho Bá Phức biết có cướp vào đốt nhà ở làng Nhã Nam. Phức cho là do tên tướng cướp Lãnh Tư cầm đầu liền tập hợp thủ hạ, trong đó có Giai Thiêm (tên gọi Hoàng Hoa Thám trước khi tham gia khởi nghĩa chống Pháp) đi đuổi bắt tên cầm đầu. Kết quả, Bá Phức đánh thắng được toán cướp của Lãnh Tư và trở thành người hùng của cả vùng Yên Thế mà Giai Thiêm là trợ thủ đắc lực".

Căn cứ vào những chi tiết do Bouchét mô tả và những điều Nguyễn Duy Hinh viết trong “Đề Thám, con hùm Yên Thế” thì Bá Phức tham gia phong trào do Cai Kinh lãnh đạo từ năm 1882. Sự kiện giết Lãnh Tư xảy ra khi Bá Phức cùng Đề Thám đang xây dựng lực lượng tại Yên Thế.

Trước khi trở thành "người hùng" như cách gọi của Bouchét, Thân Bá Phức đã suy nghĩ lao lung về bổn phận của trang nam tử trước vận nước đang thời rối ren, do đó ông quyết định phải xông pha vào nơi trận mạc để thỏa chí tang bồng. Nghĩ là làm, ngay sau sự kiện tháng 4-1882 ông đem theo các thủ túc như con nuôi Giai Thiêm, em họ Thân Bá Gạo (còn gọi là Văn Tảo, con trai chú ruột Thân Bá Chinh), cháu họ Thân Đức Luận (con trai em ruột Thân Bá Chín) và một số chiến hữu như Nguyễn Văn An, Hoàng Đình Bảo (Đốc Thu), Hoàng Bá San (còn gọi là Vân Sơn, phụ thân của Hoàng Điển Ân), Dương Đình Sử (tức Đề Sử, phụ thân của Cả Dinh), Hoàng Văn Cạnh kéo lên lỵ sở Tân Sỏi, tổng Hữu Thượng, nơi Cai Kinh giữ chức Tri huyện Hữu Lũng, người đang rắp lòng dựng cờ đánh Pháp. Có thêm lực lượng, Cai Kinh quyết định mang tất cả binh tướng kéo về quê nhà thuộc tổng Vân Nham cùng huyện, chọn dãy Đồng Nai (sau đổi là núi Cai Kinh) làm căn cứ địa.  

Theo tờ bẩm của Hoàng Đình Kinh lên Tuần phủ Lạng- Bình là Lã Xuân Oai, năm 1884 nghĩa quân đã hoạt động mạnh, từng nhiều lần đón đánh địch ở ngay trước đồn của huyện, nơi ông làm việc; ngăn chặn các nơi hiểm yếu và án ngữ không cho giặc mở rộng chiếm đóng. Nhưng khó khăn của nghĩa quân không phải ít, nhất là vấn đề lương thực. Trong tờ bẩm của Hoàng Đình Kinh có đoạn: "Ti chức vâng phái nghĩa dũng tới đóng đón giặc ở trước đồn của bản nha; ngăn chặn án ngữ chỗ hiểm yếu. Quân nhu rất khẩn thiết, trong hạt vét hết gạo, vay mượn rất khó; vậy dám phái lại mục Nguyễn Cận thuộc nha, đến trước thềm lạy đợi mong trên lượng xét, cấp cho một ngàn lạng bạc hoa ngân, giao cho Nguyễn Cận bãi lĩnh mang về quân cấp cho đinh dõng chi dùng".

Trong thời gian tham gia cuộc khởi nghĩa do Cai Kinh lãnh đạo, Thân Bá Phức không chỉ xây dựng căn cứ địa ở Yên Thế mà còn đóng góp nhiều tâm lực để xây dựng các đồn Đồng Thể (thành Cai Kinh), khu căn cứ Đằng Yên và Đồng Câu, trực tiếp sát cánh với Cai Kinh ở Hữu Lũng.

Lúc này, sau khi chiếm được Bắc Ninh, thực dân Pháp muốn tiến lên chiếm nốt Lạng Sơn và chúng cho rằng trở ngại lớn nhất là lực lượng quân chính quy Mãn Thanh còn khá lớn ở khu vực này. Chúng có tính toán đến lực lượng nghĩa quân Cai Kinh, nhưng vẫn cho là không đáng kể.

Ngày 11-5-1884, đại diện Pháp là Trung tá hải quân Fournière và đại diện Trung Quốc là Lý Hồng Chương đã ký Quy ước Thiên Tân, quy định về việc rút quân chính quy Mãn Thanh ra khỏi Bắc Kỳ nhường lại cho quân Pháp tiến quân, trong đó có khu vực Lạng Sơn. Thực hiện những điều đã được cam kết, triều đình Mãn Thanh ra lệnh cho binh sĩ rút khỏi Bắc Kỳ, đình chỉ mọi hoạt động vũ trang. Đây là một thời cơ tốt để nghĩa quân Cai Kinh đối mặt với quân thù.

Viên Đại tá Dugènne chỉ huy một lực lượng gồm nhiều sĩ quan, 1.060 binh sĩ, 1.000 dân phu (lúc đầu chỉ có 375), 200 la và ngựa, 20 xe quân nhu tập kết ở Phủ Lạng Thương. Cùng đi còn có viên Tri phủ Lạng Giang làm nhiệm vụ trông nom không cho dân phu bỏ trốn và một số thông ngôn người Tàu. Ngày 13-6-1884, quân Pháp rời Phủ Lạng Thương, có hàng trăm vợ con lính khố đỏ đi theo. Từ ngày 16-6-1884, vừa thoát khỏi mưa bão, quân giặc lại vấp phải hầm chông, các trận phục kích của nghĩa quân Cai Kinh, khiến cho 3 lính lê dương đào ngũ, dân phu chạy trốn đến vài trăm người.

Những cánh nghĩa quân do Cai Kinh chỉ huy, trong ngày 23-6-1884 đã diệt 500 tên Pháp, trong đó có các Đại úy Jeannin, Pancé và Trung úy Delnote. Đây chính là trận Bắc Lệ nổi tiếng. Ngày hôm sau, giặc lại bị diệt 40 tên. Nhiều tên vì quá sợ hãi, trở nên hoảng loạn. Số dân phu mất đi 481 người.

Bài viết khác

Phó bảng Thân Trọng Ngật

Là con của Tri phủ Thân Trọng Trữ, Thân Trọng Ngật (1877 - 1946) đỗ Cử nhân năm 1903 dưới thời Thành Thái tại trường thi Thừa Thiên, rồi năm sau (1904), thi đỗ Phó bảng trong khoa thi Hội, lúc 28 tuổi.

Tiến sĩ Thân Trọng Tiết

Hơn 30 năm về trước, khi còn là một sinh viên Đại Học, lần đầu tiên được nghe hai vị thầy khả kính của chúng tôi nhắc đến họ Thân: thầy Phan Văn Dật (ở Huế) và thầy Nghiêm Thẩm (ở Sài Gòn).

Thân Trọng Phước và gia đình những gương mặt tri thức Huế

rong những thập niên 30 đến 50 của thế kỷ trước, ở Huế không mấy ai không biết đến cái tên Thân Trọng Phước (1902 - 190?)

Thân Đức Nam – Doanh nhân văn hoá

Cuối năm 1995 tôi vào Đà Nẵng thường trú. Công việc thường nhật của tờ báo đã khiến tôi gặp nhiều nhân vật mang họ Thân

Thân Trọng Huề một nhân vật lịch sử có tư tưởng canh tân, một nhà văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX

Thân Trọng Huề (1869 - 1925) tên chữ là Tử Trung, sinh năm 1869, quê gốc làng An Lỗ, huyện Phong Điền, đến ở tại làng Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, thành phố Huế