Chương III, sách Lịch sử Việt Nam (tập hai, Nxb. Khoa học Xã hội, 1985) nói về phong trào kháng Pháp ở miền Bắc và miền Trung có trích lời tâm huyết của Tổng đốc Bình Phú, Thân Văn Nhiếp, trong một bài sớ gửi vua Tự Đức: “Ngồi trên chín tầng cung điện nguy nga, nên nghĩ đến nhà cửa của dân Lục tỉnh nay còn gì, an ủi dân nghèo ở kinh đô nên nghĩ đến dân Lục tỉnh ai thương xót”. | |
Thời kỳ này, Pháp đã đánh chiếm cả lục tỉnh Nam kỳ, đặt chế độ cai trị thuộc địa ở trên phần đất này của đất nước thì những lời lẽ khuyên can vua quan tâm đến Lục tỉnh đã bị mất vào tay giặc không khác gì những lời kêu gọi cứu dân cứu nước. Thân Văn Nhiếp được cha dạy học từ nhỏ nhưng ông không may mắn trên khoa trường, bốn lần thi, bốn lần đậu tú tài, mãi đến khoa Tân Sửu (1841) ông đậu Cử nhân và đến năm 40 tuổi, ông mới ra làm quan. Ông nhận nhiệm sở ở nhiều địa phương, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Quảng Nam, Gia Định, có khi được điều về Kinh làm ở các bộ, từ Hành tẩu Sở Bí Thư trong Các, đến Tham biện bộ Lễ, bộ Lại, bộ Binh... Ở đâu ông cũng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, cương trực, thấy việc không đúng là góp ý, dù đó là ý của cấp trên, thậm chí là ý của vua. Dưới thời Tự Đức, tình thế đất nước đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp. Nhiều tỉnh thành đã bị quân Pháp đánh chiếm và ông được triều đình chọn cử đến ứng phó. Trước là ở Quảng Nam, lần sau là ở Biên Hòa, Gia Định. Gia phả họ Thân chép lời vua Tự Đức căn dặn, khi cử ông đi làm bố chánh Quảng Nam rằng: “Tỉnh Quảng Nam nay rất nhiều việc hiện giờ ngoài tàu Tây dương đương đậu, trong thời giá gạo càng cao, ngươi là người thạo việc, ta biết đã lâu, chớ phụ lòng ta tin cậy”. Trong những thời điểm khó khăn nhất, để ổn định và vượt qua được tình thế, ông thường nghĩ đến sức dân, đứng về phía dân, một quan điểm hiếm có trong quan trường đương thời. Trong bài viết này, chúng tôi xin làm rõ hai điểm đáng lưu ý về ông: 1. Thân Văn Nhiếp, nhà quân sự có tài thao lược. 2. Thân Văn Nhiếp, vị quan cương trực, luôn chăm lo bồi bổ sức dân. 1. Thân Văn Nhiếp nhà quân sự có tài thao lược: Tháng 11 năm 1856, từ chức vụ Biện lí bộ Binh, triều đình Huế cử ông vào làm Bố chánh tỉnh Quảng Nam. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là phải giải quyết nạn đói, ổn định tình hình dân chúng để có thể đối phó với cuộc chiến chống Pháp sắp đến (Công việc này sẽ nói rõ ở phần sau). Và phải mất hai năm thật vất vả, tình hình kinh tế của tỉnh Quảng Nam mới được khôi phục. Năm 1858, sau cuộc tiến quân đánh Trung Quốc, buộc triều đình Mãn Thanh ký hòa ước Thiên Tân nhượng cho Pháp nhiều quyền lợi kinh tế, Pháp kéo quân đội viễn chinh về chiến trường Việt Nam. Hải quân Pháp đem tàu chiến tấn công Đà Nẵng, ý đồ chớp nhoáng chiếm căn cứ này làm bàn đạp đánh thẳng ra kinh đô Huế, buộc triều đình Huế phải đầu hàng. Sáng ngày 01/9/1858, theo sách Lịch sử Việt Nam: “Đô đốc De Genouilly gởi tối hậu thư, hẹn trong 2 giờ phải trả lời. Tổng đốc Nam - Ngãi, trong tay có 3000 quân, án binh bất động, chờ lệnh triều đình. Chưa hết giờ hẹn, giặc bắn hàng trăm phát đại bác lên đất liền, rồi đổ bộ lên chiếm bán đỏa Sơn Trà... Địch cố tiến quân vào đất liền. Những trận chiến đấu đã diễn ra ở xã Cẩm Lệ ven biển huyện Hòa Vang. Tổng thống quân vụ Lê Đình Lý bị trọng thương và chết”. Tháng 10 năm 1858, triều đình cử Nguyễn Tri Phương vào làm Tổng thống quân vụ. Ông Thân Văn Nhiếp, trong thời kỳ làm Đốc học Gia Định, đã từng quen biết và được Nguyễn Tri Phương khen là “Kinh sử túc dụng, mô phạm xảo đoan” (tức là biết đủ kinh sử, đúng mực làm thầy) nên dưới quyền Nguyễn Tri Phương, ông đã hết sức chỉ đạo mọi việc trong tỉnh phục vụ cuộc chiến đấu. Gia phổ họ Thân chép tóm tắt việc chỉ đạo tác chiến của ông lúc bấy giờ, trong đoạn văn ngắn sau: “Liền lúc đó đòi binh Hạ Ban, thúc dân Xã Đoàn, đốn cây gỗ và nhận chìm ghe thuyền để ngăn đường sông, vừa quân ở Huế ghé tới phòng tiện, ông phần lo cấp quân nhu cho thỏa đáng, phần lo phòng chế tả đạo kẻo quan thông, phần lo lấp sông Vĩnh Điện, phần lo triệt cửa Đại Chiêm. Suốt ngày cho chí tối, công việc dồn dập thật vất vả”. Qua đó và qua thực tế lịch sử, chúng ta có thể luận tài thao lược của ông thật đáng kính phục: 1. 1. Ông biết kết hợp chặt chẽ giữa cuộc chiến đấu chống giặc ở mặt trận Đà Nẵng với sự an dân, ổn định tình hình hậu phương các huyện trong tỉnh. Nhân dân Quảng Nam, mặc dù vừa trải qua mấy năm đói kém, đã có đủ ăn (sẽ trình bày kỹ việc này phần sau) và giành đủ lương thực để cung cấp cho quân lính của triều đình tăng viện vừa gửi đến. 1. 2. Về chiến lược, chiến thuật quân sự, ta thấy ông đã vận dụng bài học đánh giặc ngoại xâm tự ngàn xưa của dân tộc, tránh đối đầu với sức mạnh tiên phong và vũ khí tối tân của giặc, cầm cự, phòng thủ buộc địch phải đánh lâu dài. Ông đã vận động nhân dân làm vườn không nhà trống, sơ tán khỏi các làng ven biển Hòa Vang để cô lập, triệt nguồn tiếp tế lương thực của địch, làm chướng ngại vật ngăn đường sông (dùng sọt tre, thùng gỗ chứa đất đá lấp sông Vĩnh Điện, dùng dây sắt thả ngầm dưới nước để triệt cửa Đại Chiêm, tức là cửa sông Thu Bồn) đề phòng tàu chiến địch tiến vào thành tỉnh và Hội An. Khắp nơi, những đội dân quân được thành lập, tiến hành đánh địch theo qui mô nhỏ, tập kích tiêu hao sinh lực địch. Lịch sử ghi vị chỉ huy dân quân nổi tiếng lúc bấy giờ là Phạm Gia Vĩnh. 1. 3. Về mặt an ninh chính trị, theo Gia phổ họ Thân (đã dẫn ở trên), ông lo phong chế tả đạo kẻo quan thông. Thời buổi ấy, phải công nhận một thực tế là có một nhóm linh mục Thiên chúa giáo, lợi dụng tôn giáo, kích động giáo dân hưởng ứng theo giặc, làm tay sai cho người Pháp xâm lược. Thân Văn Nhiếp đã giải quyết việc phòng chế này một cách triệt để, không tả khuynh và có hiệu quả lớn. De Genouilly đã thất vọng: “Người ta (tức là các giáo sĩ Pháp) báo cáo rằng dân chúng sẽ hưởng ứng chúng ta, nhưng sự thật trái hẳn lại. Chúng ta không có chút thiện cảm nào của người dân” (Histoire de la Cochinchine des origines à 1883. Prosper Cultru). Sau 5 tháng tiến công, quân Pháp đã không lấn thêm được bước nào. Trong thư gửi về Pháp, Đô đốc De Genuoilly đã thú nhận: “Chúng ta đang nhanh chóng tuột dốc đến kiệt quệ và đến lúc phải bất động tại Đà Nẵng”. Thế là cuộc hành binh lớn đầu tiên của giặc Pháp đã vấp phải sự chống cự quyết liệt của nhân dân ta, làm thất bại ý đồ đánh đòn quyết định vào kinh đô Huế. Triều đình Huế đã đối xử với ông như thế nào? Trong thời gian đầu của cuộc chiến, khi mất hai đồn An Hải và Điện Hải, triều đình Huế đã giáng chức ông 4 cấp lưu, sau đó khi nước lụt phá khúc sông Vĩnh Điện bị lấp, làm trôi một thuyền và xé lỡ một đoạn sông, đã bắt ông nộp phạt 3000 quan tiền (số tiền này, dân chúng thương tình đóng góp lại để nộp phạt cho ông). Cho mãi đến khi quân Pháp rút hết khỏi Đà Nẵng, ông mới được tha cách chức và chỉ giáng hai cấp lưu. Không đánh chiếm được Đà Nẵng, quân Pháp chuyển hướng chiến tranh vào Nam Bộ, nơi có nhiều sông ngòi mà chúng có thể phát huy uy thế của hải quân. Phát huy hỏa lực mạnh ngay từ đầu, địch dùng đại bác bắn phá các đồn lũy của ta và chỉ trong 7 ngày, quân của triều đình bị thất bại. Thành Gia Định bị mất vào tay giặc. Cũng như ở Đà Nẵng, nhân dân Gia Định tiêu thổ kháng chiến, bất hợp tác với giặc. Nghĩa quân được nhân dân ủng hộ nổi lên đánh địch ở khắp nơi. Tháng 8 năm 1860, Nguyễn Tri Phương được triều đình Huế cử làm Tổng thống Quân vụ thay cho Tôn Thất Cáp, một người chủ hòa, đã bỏ lỡ cơ hội tiến công hiếm có khi quân Pháp đã rút phần lớn lực lượng sang Trung Quốc, chỉ còn khoảng một ngàn quân giữ Gia Định. Đến Gia Định, Nguyễn Tri phương áp dụng chiến thuật phòng thủ, tăng cường hệ thống đồn lũy kiên cố để chống giặc. Quân Pháp sau khi thắng trận ở Trung Quốc, tập trung lực lượng về đánh chiếm Nam Bộ, ngày 23/02/1861, Pháp bắn đại bác công phá Đại đồn. Sau hai ngày chiến đấu quyết liệt, Nguyễn Tri Phương bị thương, Đại đồn thất thủ. Quân triều đình phải rút về Biên Hòa. Tháng 4 năm 1861, triều đình cử ông Thân Văn Nhiếp vào làm Hiệp tán quân thứ Biên Hòa, trong khi Khâm sai đại thần lại là Nguyễn Bá Nghi, một người chủ hòa cầm quân lúc này đặt ra cho ông rất nhiều khó khăn. Theo gia phả họ Thân, khi bàn bạc công việc, hai ông thường trái ý nhau. Quan điểm và cách giải quyết của Thân Văn Nhiếp lúc này nổi lên hai điểm: - Ông chủ động dùng lực lượng của mình chận đường tiến quân của giặc. Lúc ở Biên Hòa, ông kéo quân đóng riêng ở núi Long Ân, chặn đường bộ, không cho giặc tràn qua Biên Hòa. Trong khi Nguyễn Bá Nghi khoanh tay ngồi nhìn quân Pháp lấn chiếm, ông đem quân đánh lấy lại Bình An, Thủ Dầu Một. Pháp không băng qua đất Đồng Bản tiến đến Biên Hòa được. Cho đến khi quân giặc phá được chướng ngại vật ngăn sông, đưa tàu chiến vượt khúc sông Phúc Giang thì thành Biên Hòa mới thất thủ (ngày 17/11). - Đã có lúc ông muốn tổ chức lực lượng nghĩa quân để kháng chiến chống Pháp. Theo Gia phổ họ Thân thì: “Ông giao binh triều đình lại cho phó đề đốc Lê Quang Tiếng, cải trang theo đường rừng đi ngót ba ngày mới tới núi Nữ Tang. Bấy giờ, ông cùng mấy người hào nghĩa xuống thuyền qua cửa Cần Giờ đến huyện Phúc Lộc, tỉnh Gia Định. Tại đây, ông cùng quan Tuần vũ Đỗ Quang trù nghị, mộ nghĩa binh hơn 100 người, binh cơ được 3 vạn, khuyến quyên hơn 30 vạn quan tiền, ngũ sự bằng đồng hơn 100 bộ. Phải lấy cột nhà đốt than mà đúc súng thêm. Lại đốc thúc thổ hào là Bùi Quang Diệu, tùy thế phòng tiện để chờ viện binh”. Ngày 5/6/1862, triều đình Huế cắt nhượng ba tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) cho Pháp và thông tư cho các quân thứ phải qua tỉnh Vĩnh Long để chờ lệnh vua. Lúc này, ông không đi tiếp con đường của nghĩa quân như Tuần vũ Đỗ Quang, Quản cơ Trương Định, mà trở về Vĩnh Long để nhận lệnh triều đình. Ở đây, chúng ta cần hiểu vì sao ông chọn con đường này. Rõ ràng ông không phải là người sợ chết, không phải ông giảm sút tinh thần chống Pháp xâm lược, mà là vì ý thức trung quân nên đã làm hạn chế sự nghiệp của ông. Cũng trong thời kỳ này, Việt Nam danh nhân tư điển (Nguyễn Huyền Anh, nhà sách Khai Trí xuất bản, 1967) nói đến một Thân Văn Nhiếp: “Giữ chức Hiệp tán, chiêu mộ nghĩa binh, nổi lên đánh Pháp, năm 1868, được tôn làm nguyên soái. Đánh thắng Pháp nhiều trận, đáng kể là trận đột kích vào tỉnh thành Mỹ Tho và đồn Cai Lậy. Nhân dân đã lập miếu thờ ông và cùng ba phó tướng của ông”. Chúng tôi chưa tìm được sự giải thích về sự trùng hợp này. 2. Thân Văn Nhiếp, vị quan cương trực, luôn quan tâm bồi bổ sức dân: 2. 1. Dưới thời phong kiến, việc tham gia góp ý cho vua, không phải nhiều người có thể làm được. Đối với ông, Gia phả họ Thân đã ghi lại có ít nhất đến 7 lần: - Khi làm hành tẩu, toản tu ngọc diệp, một đêm canh hai, vua truyền đưa dạng bảng ngọc diệp lên vua xem, ông tâu rằng: “ Lệ dâng ngọc diệp, phải mở cửa Đại cung môn, lọng tàng nghi lễ phải đủ lối. Nay đêm khuya canh chầy, xin đến ngày mai, sẽ theo thể lệ mà dâng. Nếu ngài không cho xin lãnh môn bài ra mở cửa Đại cung môn, tôi mới dám dâng”. Vua công nhận là phải nên truyền đi thôi. - Khi làm Hành tẩu Sở Bí thư trong Các, buổi mai ông dâng sách lên, buổi chiều vua điểm, duyệt, phê rồi giao ra. Nhưng khi vua ban sắc rằng: “Nhiều việc chưa duyệt được, phải chờ ngày mai”. Ông tâu rằng: ”Làm vua, một ngày muôn việc. Việc ngày mai cũng như việc ngày nay, xin ngày nào phải làm xong ngày ấy, kẻo chúng tôi mang tội trễ nãi với triều đình”. Từ đấy, phần sách ông dâng lên được vua phê và giao ra nội trong ngày. - Năm 1858, khi làm Bố chánh Quảng Nam, ông dâng sớ xin giảm thuế vàng cho dân khai thác ở mỏ vàng Bồng Miêu, và xóa nợ cho những người còn thiếu những năm trước. Vua phải nghe theo. - Năm 1866, cũng ở Bình Phú, ông dâng sớ xin vua tự cường, tự trị, trong đó có câu tâm huyết như đã trích dẫn ở phần mở đầu bài này. - Năm 1866, ông dâng sớ xin vua phải thân hành đi tế Nam Giao, không nên cử quan Khâm mạng đi thay. “Vua mà tế Trời cũng như con tế cha mẹ. Nếu tế cha mẹ mà người con không đứng lễ, biểu người đầy tế làm thay thì linh hồn của cha mẹ chắc không bằng lòng, rồi sự cúng tế ấy hóa ra vô ích”. Vua Tự Đức phải có lời dài dòng thanh minh vì lý do sức khỏe của mình. - Năm 1870, ông tâu sớ dâng vua vì việc làm Khiêm lăng quá tốn, và đưa cung nữ ra chèo thuyền dạo chơi. Kết sớ có câu rất tâm huyết: “Bệ hạ có nước mà không biết thương thì tiểu nhân, nếu vì can mà chết cũng không đáng tiếc”, vua Tự Đức phê rằng: “Lời người trách đó đều lỗi của ta, chỉ không hiểu lắm, chỉ nói hơi quá”. 2. 2. Thân Văn Nhiếp luôn luôn quan tâm bồi bổ sức dân. Lúc dân chúng Quảng Nam bị mất mùa đói kém, một mặt ông tâu về triều đình và lập tức xuất kho lúa và công quỹ cấp phát cho dân; mặt khác ông vận động quyên góp của người giàu giúp đỡ cho người nghèo. Lại còn cho thương gia đi thuyền vào Nam bộ mua lúa chở ra, đồng thời vận động di dân vào Nam sinh sống. Nhiều biện pháp ấy kết hợp chặt chẽ với nhau nên đã nhanh chóng giải quyết được nạn đói, phục hồi sức dân để sản xuất mùa tới. Khi giữ chức Bố chánh Quảng Nam, ông đã khảo sát tình hình thuế má đánh vào dân khai thác vàng ở Bồng Miêu mà dân có tiếng kêu ca than oán. Ông đã đề đạt với triều đình giảm bớt thuế cho dân, xóa nợ cho những người đã thiếu nợ thuế nhiều năm mà không trả nổi. Những việc ông chỉ đạo sản xuất thì chưa có tài liêụ nói rõ. Nhưng quan điểm ông khẳng định là: Bồi bổ sức dân để cho vững thế nước. Nhờ đó mà khi giặc Pháp đánh vào Đà Nẵng, quân dân ta mới đủ sức đánh lui quân địch. Thời gian ở Bình Phú, ông đã lo củng cố tình hình ở đây, một tỉnh mà ông nhận thức là “tỉnh lớn, hiện nay có các cửa biển đang cấm phòng”. Ở đây, ông đã nhiều lần tâu về triều đình xin triệt để cấm nha phiến, không vì cái lợi nhỏ trước mắt là thu thuế mà cho lưu hành loại hàng nguy hiểm này. Đáp lại sự chăm lo sức dân ấy là, ở địa phương nào ông đã từng công tác thì dân ở đó đều rất thương mến ông, đẫn chứng như ở Quảng Nam, dân chúng đã góp tiền để trả tiền triều đình phạt ông về thiệt hại do vụ lấp sông Vĩnh Điện gây ra.., ở Gia Định, khi thuyền chở ông rời khỏi vùng đất đã ký nhượng cho Pháp, hàng ngàn dân chúng đã kéo đến ở bến đò Cần Đức để tiễn ông: ”Ông ngồi ở đầu thuyền, tự nhận mình không làm tròn bổn phận, ngậm ngùi lau nước mắt mà tạ lòng thành thực của dân” (Gia phả họ Thân). Thân Văn Nhiếp đã phụng sự đất nước 30 năm trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Thực dân Pháp bất đầu tiến công xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn suy yếu, vua Tự Đức không có tầm nhìn chiến lược canh tân tự cường, quần thần thì nhiều kẻ cơ hội, chủ hòa thất bại. Sự sụp đổ của chế độ phong kiến là một tất yếu lịch sử. Trong hoàn cảnh ấy, tuy tinh thần trung quân đã có một phần hạn chế sự nghiệp của ông, nhưng tài thao lực, tính cương trực và quan điểm chăm lo sức dân của ông luôn làm cho chúng ta khâm phục. Thiết nghĩ, tinh thần làm việc của ông cũng là bài học quý giá cho đời nay. Huế, tháng 4/2004. |
Một gia đình tộc Thân ở Huế có 3 người thuộc 3 thế hệ đã từng làm quan ở Quảng Nam. Họ luôn để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân xứ Quảng!
Đến bây giờ, gốc cây thị hàng trăm tuổi tại làng Dương Xuân Hạ (Thủy Xuân, TP Huế) vẫn còn hằn in những vết bom đạn của một thời chiến tranh khốc liệt. Cây thị cổ thụ này là niềm tự hào của người dân địa phương, vì nó được xem là “nhân chứng đặc biệt” về cuộc chiến đấu ngoan cường của một người anh hùng đã đi vào sử sách như một huyền thoại…
“Hiền tài nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quí chuộng kẻ sĩ không biết thế nào à cùng” - Thân Nhân Trung, Bia tiến sĩ khoa nhâm tuất 1442.
Trong những năm gần đây, những vấn đề văn hoá giáo dục, vai trò của trí thức được đảng và nhà nước đặt ở vị trí cực kỳ quan trọng. Đảng ta đã nêu lại một câu nói rất nổi tiếng trước đây nhưng hầu như suốt mấy thế kỷ đã bị coi nhẹ
Lạng Sơn - điều kiện địa lý tự nhiên: Lạng Sơn là tỉnh miền núi đông bắc Việt Nam, nằm ở vị trí 1060 - 107020’ kinh đông, 210 30’ - 210 20’ vĩ bắc, có biên giới dài 253km, giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Hoa)