Họ Thân Việt Nam

Năm 1010, ở biên giới đông bắc nước Đại Việt có vùng đất tên là Lạng Châu (phía bắc tỉnh Bắc Giang và phía nam Ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn). Ở đó có Động Giáp mà chúa Động là Giáp Thừa Quý cai quản một bộ lạc dân tộc lớn. Giáp Thừa Quý được vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) gả con gái, trở thành phò mã của triều đình. Từ đây, ông đổi tên họ Giáp 甲 thành họ Thân 申 và lấy tên là Thân Thừa Quý.

Năm 1010, ở biên giới đông bắc nước Đại Việt có vùng đất tên là Lạng Châu (phía bắc tỉnh Bắc Giang và phía nam Ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn). Ở đó có Động Giáp mà chúa Động là Giáp Thừa Quý cai quản một bộ lạc dân tộc lớn. Giáp Thừa Quý được vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) gả con gái, trở thành phò mã của triều đình. Từ đây, ông đổi tên họ Giáp 甲 thành họ Thân 申 và lấy tên là Thân Thừa Quý.

Con trai của Thân Thừa Quý là Thân Thiệu Thái nối nghiệp cha tiếp tục cai quản Lạng Châu. Năm 1029, ông được vua Lý Thái Tông gả con gái là công chúa Bình Dương, trở thành phò mã đời 2 của nhà Lý.

Năm 1066, con của Thân Thiệu Thái là Thân Cảnh Phúc cũng được vua Lý Thánh Tông gả con gái là công chúa Thiện Thành. Đây là vị phò mã thứ 3 của tộc Thân đưới triều đại nhà Lý.
Mối quan hệ hôn nhân giữa các vị Thân tộc nói trên với các công chúa  nhà Lý đã góp phần quan trọng giúp đất nước ta, từ Ải Nam Quan đến thung lũng sông Lục Nam, củng cố biên giới chiến thắng quân Tống xâm lược và giữ yên bờ cõi.

Trong quá trình mở mang về phương Nam, vào năm 1306 triều đình nhà Trần đã cử một vị quan họ Thân (thường gọi là ngài Thân Đại Lang) vào cai quản vùng đất từ nam sông Gianh đến Hải Vân tạo nên một cộng đồng họ Thân đầu tiên ngoài cội nguồn tại An Lỗ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay).

Đến đời Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông đã thân chinh vào bình định vùng Chiêm Động, Cổ Lũy và Đồ Bàn, cử ngài triệu cơ Thân Phước Cẩm ở lại cai quản, đặt tên vùng là "Quảng Nam đạo", kéo dài từ Hải Vân đến thành Đồ Bàn (Bình Định ngày nay). Còn vùng đất Bình Định thì được giao cho ngài Thân Văn Ngôn phụ trách. Cộng đồng Thân tộc thứ hai tại Quảng Nam và Bình Định bắt nguồn từ thời điểm đó.

Sự phát triển của đất nước Việt Nam qua hàng mấy thế kỷ đã tạo nên sự phát triển của Thân tộc. Đến nay đã có trên 30 tỉnh thành ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam có cộng đồng họ Thân sinh sống. Nhiều nơi có các nhà thờ họ lưu giữ nhiều sắc phong của triều đình qua các thời kỳ lịch sử. Hằng năm hoặc nhiều năm có tổ chức lễ tế họ rất lớn tại địa phương.

Sau năm 1975, hình thành nên một số cộng đồng Thân tộc ở hải ngoại: Pháp, Hoa Kỳ, Úc...

Mặc dù sống rải rác nhiều nơi nhưng bà con Thân tộc đều coi cội nguồn của mình là ở Bắc Giang và bà con Thân tộc là một nhà: "Thân tộc nhất gia".

Trong Thân tộc trải qua gần nghìn năm, nhiều nhân vật nổi tiếng được nêu tên trong lịch sử: ngài Thân Cảnh Phúc được xem là ông tổ của chiến tranh du kích, ngài Thân Công Tài là nhà kinh tế, đi đầu của ngành ngoại thương, ngài Thân Nhân Trung, một nhà trí thức dân tộc có câu viết nổi tiếng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" được ghi trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội. Nhiều thế hệ gia đình khoa bảng, nhiều đời tiến sĩ đã được lưu truyền trong sử sách. Dưới triều Nguyễn, ngài Thân Văn Di được vua Minh Mạng gả con gái là công chúa Lại Đức (nữ sĩ Mai Am) trở thành phò mã. Ông là một trung thần nghĩa sĩ đã bỏ mình trong cuộc hộ tống vua Hàm Nghi bôn tẩu năm 1885. Thượng thư Thân Trọng Huề là một nhà trí thức du học nước ngoài đã từng xây dựng kế hoạch cải cách giáo dục vào đầu thế kỷ XX. Tên ông gắn liền với quần đảo Hoàng Sa thời ông là thượng thư Bộ Binh. Nhiều hải đội được ông phái ra xây dựng và trấn giữ đảo. Những thế hệ hậu duệ của họ Thân trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo cũng đã có nhiều đóng góp cho đất nước và dân tộc rất đáng trân trọng.

Ngày nay, nhiều di tích lịch sử và văn hóa liên quan đến họ Thân đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia: đền Hả ở Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang nơi thờ ngài Thân Cảnh Phúc, đền Tả Phủ ở thành phố Làng Sơn nơi thờ ngài Thân Công Tài. Nhiều lễ hội của Thân tộc đã trở thành lễ hội dân gian.

Một "hội đồng Thân tộc" cấp quốc gia được thành lập và đã đề ra một tộc ước, đồng thời xây dựng một kế hoạch hoạt động lâu dài: biên soạn "tộc phả" vào năm 2005, tổ chức lễ hội "nghìn năm Thân tộc" năm 2010.

Để góp phần chuẩn bị tốt hai sự kiện nói trên, dự kiến một hội thảo về "Thân tộc trong lịch sử Việt Nam" lần thứ nhất sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 2004 tại thành phố Huế (xem thông báo cụ thể in ở mục TTLSVH Huế trong số tạp chí này). Đây sẽ là một hội thảo lớn trong đó có nhiều nhà khoa học xã hội và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tham gia, góp phần khẳng định vị trí của một dòng họ trong tiến trình xây dựng đất nước.

Thân Trọng Ninh
T.T.N-Huế Xưa & Nay-Số 64

Bài viết khác

Nguồn gốc Họ Thân

Giáp Thừa Quý chúa Động Giáp năm 1010 được Lý Thái Tổ chọn làm Phò mã và đã đổi họ từ họ Giáp thành họ Thân, cai quản Châu mục Lạng Châu.