Ngày trước, ông bà ta khi nói đến nhân dân thì thường dùng chữ "bách tính" (trăm họ). Cộng đồng đân tộc Việt Nam là một khối thống nhất, trong đó có nhiều tộc họ, lớn nhỏ khác nhau, nhưng tộc họ nào cũng góp phần vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong suốt quá trình lịch sử từ ngàn xưa đến nay. Tìm hiểu một tộc họ chỉ là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng dân tộc mà thôi. Nhưng việc tìm hiểu nguồn gốc, sự phát triển của một tộc họ với những đóng góp nhất định vào lịch sử dân tộc cũng như một vùng đất cụ thể cũng là một việc làm cần coi trọng, bởi nó giúp hiểu rõ hơn những vấn đề lịch sử địa phương, cả những vấn đề lịch sử dân tộc. Do vậy, đặt vấn đề "Thân tộc với vùng đất Quảng Nam" cũng không ngoài mục đích đó.
1. Thân tộc gắn liền với buổi ban đầu của vùng đất Quảng Nam
Địa danh Quảng Nam (hay Quảng Nam thừa tuyên đạo) bắt đầu xuất hiện vào năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông cho đặt đạo thứ 13 của quốc gia Đại Việt. Quảng Nam Thừa tuyên có nghĩa là “đất đai mở rộng về phương Nam, vâng mệnh vua để tuyên dương đức hoá”. Tuy nhiên, lịch sử vùng đất Quảng Nam không phải chỉ bắt đầu từ sự kiện này mà cả một thời gian dài trước đó.
Cho đến nay, người ta đã tìm thấy những dấu vết của những nền văn hoá thời tiền - sơ sử trên đất Quảng Nam. Di chỉ khảo cổ học ở Bàu Dũ (xãTam Xuân, huyện Núi Thành) với các công cụ đá, chày, bàn nghiền, đồ gốm... cho thấy con người có mặt ở đây ít nhất là 6 - 7 nghìn năm trước với các hoạt động săn bắn, đánh cá, đặc biệt là biết đến nghề nông sơ khai (trồng khoai nước, củ từ...). Đó là các di chỉ, di tích mộ chum ở Núi Thành (Bàu Trám, Phú Hoà, Tam Mỹ...), Đại Lộc (Gò Đình...) thuộc nền văn hoá Sa Huỳnh, cư dân đã biết đến kim loại đồng, sắt[1]. Ở Đà Nẵng, năm 1992 người ta đã phát hiện tại Bãi Nồm (bán đảo Sơn Trà) những chiếc rìu đá có vai[2] và nhiều mảnh đồ gốm, một bàn mài bằng đá, có niên đại hậu kỳ đồ đá mới, sơ kỳ kim khí [3].
Vùng đất Quảng Nam vốn nằm trong quận Tượng Lâm, Nhật Nam thời Hán. Sau cuộc đấu tranh của nhân dân Tượng Lâm thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên, nước Lâm Ấp độc lập ra đời cuối thế kỷ II, đổi tên là Champa - khoảng thế kỷ VI.
Năm 1306, vua Champa là Jaya Simhavarman III (Chế Mân) đem dâng hai châu Ô, Lý (Rý) làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân; năm sau, vua Trần đổi thành Thuận châu và Hoá châu 3. Hoá Châu xưa bao gồm đất đai thuộc các huyện Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế nay), Hoà Vang (Đà Nẵng nay), Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên (Quảng Nam nay). Như vậy là vùng phía bắc Quảng Nam đầu thế kỷ XIV thuộc về Hoá Châu, phần đất tận cùng phía nam của nước Đại Việt. Có thể từ đây bắt đầu có cư dân Việt vào làm ăn, sinh sống. Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay, dựa vào các nguồn sử liệu có được, có thể cho rằng làng Đà Sơn (Hoà Khánh, Liên Chiểu) là ngôi làng đầu tiên của cư dân Việt hình thành vào khoảng nửa sau thế kỷ XIV. Tiến sĩ Huỳnh Công Bá [4] cũng đã có ý kiến cho rằng: ít nhất khoảng 10 năm sau đám cưới Huyền Trân - Chế Mân, đã có người Việt đến khai khẩn vùng bắc Quảng Nam; địa bàn khai phá được tiến hành trên vùng trọng điểm là từ đồng bằng sông Thu Bồn về nam.
Tuy nhiên, mối quan hệ Đại Việt - Champa ở nửa sau thế kỷ XIV đã trở nên rất căng thẳng, đặc biệt là từ khi Chế Bồng Nga lên ngôi (1360). Hoá Châu, nhất là vùng đất nam Hải Vân luôn là hành lang quân sư, vì vậy nhiều người dân từ phía bắc mới vào khai khẩn cũng như người Chăm ở lại tiếp tục làm ăn, đều phải tản mác lánh nạn binh đao [5]. Vùng đất bắc Quảng Nam bấy giờ lại thuộc Champa. Năm 1402, Hồ Quý Ly đã đem quân lấy lại, đồng thời buộc vua Champa dâng Chiêm Động (vùng đất nam Quảng Nam đến giáp Quảng Ngãi) và Cổ Luỹ (Quảng Ngãi) cho Đại Việt, trở thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa. Nhưng không được bao lâu, nhà Minh xâm lược và đô hộ Đại Việt, nhân đó Champa chiếm giữ lại phần đất bắc Quảng Nam.
Đánh bại quân Minh, giải phóng đất nước, nhà Lê được thành lập (1428). Nhận thấy Hoá Châu là trọng trấn3, nên vua Lê Thái Tổ sai các trọng thần trấn giữ. Các danh tướng thời ấy như Lê Khôi, Lê Chuyết đều có trấn giữ ở đây.[7] Thế nhưng Champa vẫn thường xuyên tấn công quấy phá.
Hồng Đức nguyên niên (1470), vua Champa là Trà Toàn cho quân kéo ra đánh chiếm Hoá Châu, vua Lê Thánh Tông thân chinh. Sau đại thắng Trà Bàn (1471), vua Lê Thánh Tông đặt phần đất mới làm đạo Thừa tuyên Quảng Nam 5, cộng trong cả nước là 13 Thừa tuyên. Danh xưng "Quảng Nam" khởi đầu từ đó.
Đạo Thừa tuyên Quảng Nam kéo dài từ nam Thuận Hoá đến Phú Yên ngày nay, thống lãnh 3 phủ, 9 huyện. Phủ Thăng Hoa có 3 huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hy Giang[9]. Phủ Tư Nghĩa có 3 huyện: Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang[10]. Phủ Hoài Nhân có 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn[11]. Như vậy, đạo Quảng Nam quản vùng đất từ huyện Hy Giang (Duy Xuyên sau này) của phủ Thăng Hoa trở vào.
Vùng Bắc Quảng Nam bấy giờ là huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong, Thừa tuyên Thuận Hoá. Đời vua Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 7 (1466), chia cả nước làm 12 đạo Thừa tuyên, trong đó có Thuận Hoá. Thuận Hoá Thừa tuyên gồm 2 phủ: Triệu Phong và Tân Bình [12]. Trong phủ Triệu Phong có huyện Điện Bàn. Thiên Nam dư hạ tập (dẫn Lịch triều hiến chương loại chí) cho biết , đời Hồng Đức định bản đồ, Thuận Hoá Thừa tuyên sứ ty quản lãnh 2 phủ: Tân Bình, Triệu Phong[13], 18 huyện, 4 châu. Phủ Triệu Phong có 6 huyện, 2 châu; trong đó có huyện Điện Bàn quản 12 tổng, 96 xã [14].
Vua Lê Thánh Tông thực hiện chính sách "Tòng chinh lập nghiệp", cho nhân dân từ các vùng phía bắc vào Thuận Quảng Nam khai phá, lập làng, nhằm củng cố bờ cõi phương nam của Đại Việt. Những lớp cư dân "Bắc địa tùng vương" hồi cuối thế kỷ XV, bao gồm nhiều tộc họ khác nhau ở đất Bắc, chủ yếu là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Cao Bằng... Xét về thành phần, có thể thấy một số họ là quan lại, tướng tá, binh sĩ đã từng tham gia "bình Chiêm, phạt Lỗ", được lệnh ở lại và đưa vợ con vào lập nghiệp; nhưng đông hơn cả vẫn là dân nghèo quê đất Bắc. Một bộ phận khác là người Chăm ở lại làm ăn hoà thuận với những lưu dân người Việt mới đến. Ngoài ra, còn phải kể đến những người bị tù tội phải lưu đày.
Thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu gia phả của các tộc họ ở Quảng Nam, Đà Nẵng, chúng ta cũng có thể biết rằng nhiều làng xã của người Việt ở đây đã được thành lập từ nửa sau thế kỷ XV. Ở vùng Điện Bàn xưa, thuỷ tổ của 5 tộc Dương, Hồ, Lê, Nguyễn, Phạm khai phá lập ra xã Lỗ Giản; thuỷ tổ tộc Nguyễn Văn, tộc Đào, tộc Võ, tộc Mai, tộc Lê, tộc Nguyễn, tộc Hồ tạo dựng nên làng Nông Sơn...
Trong những lớp lưu dân đầu tiên đó, có tộc Thân. Các ngài Thuỷ tổ Thân tộc đã cùng với các tộc họ khác tổ chức khai phá đất đai, dựng xóm ấp, lập làng xã, tạo nên sự gắn bó ngay từ đầu của Thân tộc với vùng đất Quảng Nam.
Trong cuộc bình Chiêm năm 1471, đoàn quân nam chinh có tiền quân của đại tướng quân Lê Niệm, trong đó có ngài Thân Phước Cẩm, thuỵ Minh Đức là một tướng tài. Sau khi thắng lợi, Ngài được lệnh ở lại trấn giữ, đóng lỵ sở trên một vùng đất thuộc huyện Điện Bàn, cạnh dòng sông Cái (Thu Bồn ngày nay) chảy ra Cửa Đại.
Ngài Thuỷ tổ tộc Thân cùng với các bậc tiền bối các tộc họ khác (Nguyễn, Đỗ, Trà, Trần, Ngô...) đã tổ chức khẩn đất hoang, lập làng và theo địa giới mới khai khẩn trong 3 năm, lập thành xã Câu Nhi (nay thuộc xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam).
Đất Câu Nhi xưa bao gồm các xóm Miên La, Đồng Phủ, Hạnh Ba, Thai La, Mục Mã, Nhà Đề, Nhà Bối. Nhà Bối nằm gần Mục Mã nhưng nay không còn do sông lở. Mục Mã cũng trong tinh trạng tương tự nhưng vẫn còn một ít. Gần Nhà Đề (về phía đông) có một khoảng đất rộng gọi là Cửu Mẫu, nơi có ngôi mộ Tổ của tộc Thân ngày trước. Đồng Phủ , Hạnh Ba, nay thuộc xã Đại Minh (với tên gọi Đồng Hạnh). Do vị trí nằm gần sông Thu Bồn nên đất Câu Nhi xưa nay rất màu mỡ, trù phú. Thời vua Minh Mạng có tổ chức đào sông Vĩnh Điện, nối sông Thu Bồn với cửa Hàn (Đà Nẵng), bắt đầu từ Câu Nhi là ở chỗ này. Thực dân Pháp cũng cho đào, nạo vét sông Vĩnh Điện tại Câu Nhi, làm đường lên mỏ vàng Bồng Miêu, nên trong câu hát phổ biến ở Quảng Nam và Đà Nẵng đương thời có câu:
"Kể từ ngày Tây lại Cửa Hàn,
Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu...".
Bấy giờ, dưới trướng của ngài Thân Phước Cẩm còn có 5 người con: Thân Phước Trạch, Thân Phước Triều, Thân Phước Tài, Thân Phước Mai và Thân Phước Mao. Về sau, mộ và bia đá ngài Thuỷ tổ Thân Phước Cẩm toạ lạc ở đất Cửu Mẫu, có khắc chữ: "Triệu Cơ Thuỷ Tổ Giai Thành". Cả 5 vị con của Đức Thuỷ tổ Thân Phước Cẩm đều được tạc bài vị thờ ở đình làng Câu Nhi.
Trên cơ sở làng xã mới đã thành lập, năm Cảnh Thống thứ 3 (1499), dân làng đã dựng ngôi đình chung tại xứ Hạnh Ba, xây chùa Phước Long tại xứ Mục Mã, lập miếu Thần Nông - Thành Hoàng ba vị tại xứ Nhà Bối.
Đến năm Cảnh Thống thứ 7 (1503), bốn bậc tiền bối tộc Thân là Thân Phước Trạch, Thân Phước Triều, Thân Phước Tài, Thân Phước Mai đều trở về Bắc, chỉ còn ngài Thân Phước Mao lưu lại Câu Nhi với cha.
Hồi cuối thế kỷ XV, 24 vị thuộc các họ khác nhau, trong đó có Thân tộc, đến khai phá vùng đất trung tâm Điện Bàn1...
Gắn với buổi đầu dựng xây làng xã trên vùng đất Quảng Nam, các bậc tiền bối Thân tộc còn cùng các vị chư tộc khai phá lập ra các làng xã khác nữa. Chính vì vậy đã hình thành tộc Thân ở Điện Nam (Điện Bàn, Quảng Nam).
Điện Nam là xã phía đông huyện Điện Bàn, sát thị xã Hội An. Nói tộc Thân ở Điện Nam là nói chung toàn xã, chứ thực ra gốc gác đầu tiên nằm ở làng Cổ Lưu xưa, nơi có nhà thờ tộc Thân. Theo gia phả viết bằng chữ Hán và bản dịch ra chữ Quốc ngữ hiện lưu giữ tại nhà thờ do tộc trưởng Thân Ngọc Cư trông coi, dù không có thật nhiều chi tiết nói về buổi đầu của tộc Thân nơi đây, nhưng cũng cho chúng ta biết rằng: Dưới triều vua Lê Thánh Tông, đã cử 8 đoàn đại binh vào đánh kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành. Trong đoàn đại binh, có ông Thân Công Lộ cùng tuỳ tùng đã anh dũng đánh đuổi quân Chiêm và được chiếu chỉ của nhà vua ở lại trấn giữ, khai làng lập ấp thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá.
Tìm hiểu thực tế ở làng Cổ Lưu xưa, có các tộc: Lê, Thân, Trần, Nguyễn, Đinh, Phạm, Đỗ, Dương, Mai, Đàm. Các bậc cao niên cho biết, ở Cổ Lưu hồi trước có 5 tộc đứng ruộng đất là: Thân, Lê, Trần, Đỗ, Đinh. Như vậy, tộc Thân ở Cổ Lưu ban đầu cùng với nhiều tộc họ khác khai hoang lập làng, tạo dựng cơ nghiệp.
2. Thân tộc góp phần cùng với quê hương, đất nước:
Như trên đã nói, ngay từ khi đến vùng đất mới còn hoang sơ, ngài Thuỷ tổ tộc Thân cùng với các tộc họ khác như Nguyễn, Đỗ, Trà, Trần, Ngô... ở Câu Nhi (Điện An) đã ra sức khai khẩn, xây dựng làng xóm, lập xã hiệu. Tại Cổ Lưu (Điện Nam), các bậc tiền bối tộc Thân cũng đã cùng với các tộc Lê, Trần, Nguyễn, Đinh, Đỗ....tạo dựng quê hương mới, lập ra xóm làng. Trải các đời, Thân tộc cùng các tộc khác tiếp tục góp phần vào sự nghiệp chung của quê hương, đất nước.
Thật tự hào, trong lịch sử đã có nhiều người họ Thân đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Qua các thời kỳ, Thân tộc có nhiều người đỗ đại khoa dưới thời phong kiến: 1 thám hoa, 7 tiến sĩ, 1 phó bảng2. Nhiều người trong Thân tộc cũng nổi tiếng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước: Phò mã Thân Cảnh Phúc trong kháng chiến chống Tống ở thế kỷ XI; Đại học sĩ Thân Nhân Trung - một trí thức dân tộc chân chính, một tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc (thế kỷ XV); Thân Văn Nhiếp, nhà quân sự, vị quan cương trực, thương dân (thế kỷ XIX); Thân Trọng Huề, một nhân vật có tư tưởng canh tân, nhà văn hoá Việt Nam (đầu thế kỷ XX); Thân Trọng Một - anh hùng lực lượng vũ trang (thời hiện đại)...
Trong số những người trong tộc Thân nổi tiếng thời cận đại, có hai nhân vật đã từng gắn bó, làm việc trên vùng đất Quảng Nam: Thân Văn Nhiếp (1804 - 1872) và Thân Trọng Huề (1869 - 1925).|
Thân Văn Nhiếp đỗ thủ khoa kỳ thi Hương khoa Tân Sửu (1841), làm quan dưới hai triều vua Thiệu Trị và Tự Đức, giữ nhiều chức vụ quan trọng, đóng góp nhiều công sức cho đất nước. Ông được thăng Tổng đốc Bình - Phú (1869) và lâm bệnh mất khi còn đang làm việc (1872).
Thân Văn Nhiếp làm Bố chính Quảng Nam được mấy năm, thời gian trước và trong khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta tại Đà Nẵng, do đó đã có nhiều đóng góp cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Quảng Nam - Đà Nẵng là một địa bàn quan trọng ở nước ta, chính vua Gia Long đã tuyên bố đất này là "quận chân tay", phên dậu của kinh đô. Đặc biệt là vị trí chiến lược của Đà Nẵng được các vua triều Nguyễn (từ Gia Long đến Tự Đức) chú ý và đã xây dựng ở đây nhiều thành, đài, bảo... tạo nên cả một hệ thống phòng thủ kiên cố vào bậc nhất Việt Nam lúc ấy.
Đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp ngày càng đến gần, năm Tự Đức thứ 10 (1857), nhà vua dụ cho quan lại đang giữ nhiệm vụ ở Quảng Nam, trong đó có ngài Thân Văn Nhiếp đi xem xét một cách cụ thể và kỹ càng công tác phòng thủ rồi đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường thêm việc phòng giặc xâm lược.
"Vua cho rằng cửa biển Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam là nơi bờ cõi mạn biển quan trọng, hiện nay thuyền Tây dương tuy đã chở đi nhưng mà công việc làm cho tốt về sau, cũng nên dự tính, cốt được mười phần chu đáo. Bèn dụ cho Đào Trí, Nguyễn Duy hội đồng với viên lãnh tổng đốc là Trần Hoằng, các viên bố án là Thân Văn Nhiếp, Lê Văn Phả, thân đến các thành, pháo đài và đồn bảo, khám nghiệm kỹ càng, tính nghĩ từng điều, khoản làm bản tâu lên đợi chỉ thi hành" .
Công việc được tiến hành nhanh chóng. "Khâm phái Trấn dương quân vụ là Đào Trí đem công việc trù liệu về việc trấn áp Tây dương dâng lên: một khoản xin đặt bảo trấn dương ở đỉnh núi, chia đặt 20 cỗ xe súng đại bác. Một khoản xin từ thành An Hải đến chân núi Sơn Trà, từ thành Điện Hải đến cảng Thanh Khê, đắp luỹ cát rồi trồng cây gai góc che lấp. Một khoản xin triệt bớt 2 bảo đệ nhất và đệ nhị đi".
Đến khi thực dân Pháp đánh Đà Nẵng mở đầu xâm lược nước ta, Thân Văn Nhiếp đã góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến của quân dân ta tại đây.
Ngày 01/9/1858, với lực lượng lớn3 , liên quân Pháp - Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của tướng Rigault de Genouilly tấn công, pháo kích các đồn bót, thành luỹ của ta. Đến chiều 01/9/1858, phần lớn các đồn luỹ của ta ở phía đông bờ sông Hàn đã bị hạ.
"Sau khi tôi đích thân đi thị sát cùng đội hộ tống Tây Ban Nha, ngay chiều hôm đó tôi đã xác định vị trí đóng quân cho tất cả các đơn vị Pháp dưới quyền chỉ huy của Đại tá Raybaud và đại đội Tây Ban Nha do dại tá Oscaritz chỉ huy. Đây là khu đất bằng phẳng trên bán đảo gần kề pháo đài phía đông (tức thành An Hải)" .
Tin cấp báo nhanh chóng được đưa về Huế, vua Tự Đức lập tức cho điều nhanh lực lượng đến tăng cường cho mặt trận Đà Nẵng. Sử triều Nguyễn có chép:
"Chiến thuyền của Tây dương (12 chiếc) vào cửa biển Đà Nẵng (thuộc tỉnh Quảng Nam) bắn phá các pháo đài các đồn bảo. Việc ấy đến tai vua, vua sai tổng đốc Nam - Ngãi là Trần Hoằng gọi biền binh mãn hạn của tỉnh ấy (2.070) để phòng sai phái. Lại sai quyền chưởng doang Hổ oai là Đào Trí đi nhanh đến cùng với án sát là Lê Văn Phổ để giữ thành, bố chính là Thân Văn Nhiếp, hội đồng với Trần Hoằng đánh dẹp và chống giữ".
Khi viện binh của Đào Trí vào đến Đà Nẵng thì các thành An Hải, Điện Hải đã bị mất. Vua cách chức Tổng đốc Trần Hoằng và giao quyền Đào Trí làm nhiếp chính. Đồng thời vua cũng cho luận tội những người để thất thủ các thành, bảo ở Đà Nẵng và cách chức họ, cho lập công chuộc tội.
Triều đình lại cử Hữu quân đô thống Lê Đình Lý làm Thống chế, Tham tri bộ Binh Phan Khắc Thận làm Tham tán quân vụ và Vệ uý Lê Xuân, Nguyễn Nhàn, Trương Linh, Tôn Thất Ân, Tôn Thất Chung, Hiệp quản Bùi Ân, Nguyễn Huy, Hồ Ba đem 2000 quân cấm binh đi chống giữ [23].Triều đình cũng điều lực lượng từ Bình Định ra hỗ chiến mặt trận Đà Nẵng.
Vua Tự Đức còn "sai ngự sử là Nguyễn Sỹ Long đi mau đến Quảng Nam, đốc thúc dân phu xay gạo, tải lương đến quân thứ" [24] nhằm đảm bảo cung cấp hậu cần, phục vụ quân đội đánh địch. Thân Văn Nhiếp bấy giờ cũng được giao việc phụ trách quân nhu cung ứng kịp thời cho chiến trường[25].
Được sự lãnh đạo kịp thời và kiên quyết chống giặc của triều đình Huế, cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng, bất khuất và đầy sáng tạo của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng sát cánh ngay từ đầu cùng quân đội triều đình chống xâm lăng (nhất là khi Nguyễn Tri Phương được cử làm Tổng thống) đã làm cho thực dân Pháp không thể thực hiện được ý đồ chiến lược của chúng.
Bước sang năm 1859, ghi nhận những thắng lợi bước đầu của quân dân ta và để động viên kịp thời những người đang trực tiếp chiến đấu anh dũng tại chiến trường Đà Nẵng - Quảng Nam, triều đình đã tổ chức khen thưởng:
"Quân thứ Quảng Nam tự Tổng thống Tham tán đại thần cho đến văn thân lục phẩm, võ biền ngũ phẩm trở lên, chuẩn đều thưởng, cho có thứ bậc khác nhau. Còn văn thất phẩm, võ lục phẩm trở xuống, cùng bọn biền binh lại dịch các hạng ở kinh phái đi, chuẩn đều thưởng cho tiền gạo lương một tháng. Những viên biên, binh đinh, lại dịch quê ở Quảng Nam dự theo đi quân thứ phòng thủ đánh giặc đều thưởng cho tiền lương nửa tháng" [26].
Ngày 23/3/1860, quân viễn chinh Pháp buộc phải rút khỏi Đà Nẵng và để lại tháp hài cốt ghi nhận sự thất bại của Pháp tại đây. Sử gia Pháp Philippe Héduy có ghi: "Chiếc thuyền cuối cùng của Pháp rút khỏi Đà Nẵng đã để lại một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá" [27].
Vậy là, qua 18 tháng 20 ngày theo đuổi chiến tranh ở Đà Nẵng, thực dân Pháp đã hoàn toàn thất bại trong kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" để thôn tính Việt Nam.
Đối với Thân Văn Nhiếp, kinh qua những năm tháng gắn bó với mảnh đất Quảng Nam, đứng ở đầu sóng ngọn gió chống thực dân Pháp xâm lược, đã góp phần to lớn vào sự nghiệp chung. Đồng thời, tài năng quân sự của ông cũng dần được ghi nhận.
Năm 1861, từ chức Bố chính sứ Quảng Nam, Thân Văn Nhiếp được đổi làm Tả Thị lang bộ Binh sung chức Hiệp tán, lo chống giữ giặc Pháp ở vùng Biên Hoà, Gia Định. Sử triều Nguyễn có chép sự việc này:
"Cho: vệ uý vệ trung nhị doanh Vũ Lâm là Lê Quang Tiến thăng thự chưởng vệ, sung phó đề đốc quân thứ Biên Hoà; bố chính sứ Quảng Nam là Thân Văn Nhiếp đổi làm tả thị lang bộ Binh sung chức hiệp tán (cấp cho mỗi người 50 lạng bạc, áo trận bằng gấm mỗi người 1 chiếc, áo sa và quần mỗi người 2 cái)"[28].
Thân Trọng Huề cũng là người từng làm việc tại Quảng Nam, mặc dầu thời gian gắn bó với vùng đất này không dài.
Thân Trọng Huề sinh năm 1869, gốc người làng An Lỗ, Phong Điền, đến ở làng Nguyệt Biều, xã Thuỷ Biều, thành phố Huế. Thân phụ của ông là Thân Văn Nhiếp. Năm 1888, ông thi Hương qua "đệ nhị trường". Năm sau, ông được chọn sang Pháp học. Suốt 7 năm học tập tại nướcc ngoài, ông tỏ ra là ngưòi thông minh, học giỏi, khi tốt nghiệp chiếm ngôi Thủ khoa. Năm 1895, ông về nước, rồi được cử giữ những chức vụ khác nhau. Đến năm 1901, ông được bổ làm Án sát tỉnh Khánh Hoà và năm sau (1902), "biệt phái" giúp Phủ Toàn quyền Pháp; năm 1903, về Huế nhậm chức Tả thị lang bộ Lại, sung Tham tá Viện Cơ mật.
Năm 1904, Thân Trọng Huề được bổ làm Bố chính tỉnh Quảng Nam, nơi mà trước đó nửa thế kỷ, thân sinh ông đã từng làm việc với chức vụ như vậy.
Mới vào Quảng Nam, Thân Trọng Huề gặp phải người đứng đầu tỉnh là Tổng đốc Hồ Đệ không ưa, nên ông bị coi là "đồng sự khác lòng", "làm điều sai trái".... Ông đã bị "giáng bốn trật và cho về nhà". Trước sự việc đó, ông đã làm tờ trình gửi lên Triều đình biện minh:
"Hạ thần trước đã gặp Đại thần hẹp dạ, trong thành dạo ngựa mà bị hạch tội. Sau vì đồng sự khác lòng, vừa đến Quảng nam, chưa kịp định vị đã bị biếm trích... Người dèm pha đố kỵ còn đó, khó yên phận ở Trung Kỳ. Vậy xin cho hạ thần được lánh mình ra Bắc địa" [29].
Năm 1905, Thân Trọng Huề ra Hà Nội, cử làm Đốc giáo trường sĩ hoạn đào tạo các "quan chức mới", sau đó được giữ những chức quan trọng; đến 1922, ông về Huế sung Đại thần Viện Cơ mật, giữ chức Thượng thư hai bộ Binh và bộ Học, kiêm Đô Ngự sử Viện Đô sát; ông mất năm 1925.
Làm việc ở Quảng Nam chưa lâu nên Thân Trọng Huề chưa kịp thi thố năng lực của mình trên vùng đất này. Nhưng với những hoạt động không mệt mỏi suốt cả đời mình, nhất là từ năm 1905 trở đi, Thân Trọng Huề xứng đáng được xem là một nhân vật có tư tưởng canh tân, nhà văn hoá Việt Nam tiền bán thế kỷ XX.
Gắn lền với buổi ban đầu của Quảng Nam, Thân tộc trên vùng đất này đã ra sức góp phần vào sự phát triển nhiều mặt của quê hương đất nước qua các thời kỳ lịch sử.
Về học hành đỗ đạt, có ông Thân Đức Khấu ("Oai") (đời thứ X, phái nhất, chi I, hệ 2 ở Câu Nhi) đỗ cử nhân. Trước năm 1945, nhiều người trong tộc Thân đỗ thấp hơn nhưng cũng đã góp phần to lớn vào xây dựng quê hương, giúp đỡ nhân dân địa phương như ông Tú Quyển (gọi theo tên con), dạy học chữ Nho nổi tiếng ở Câu Nhi có ông Tư Khải, dạy chữ Quốc ngữ có ông giáo Trọng... Tại Cổ Lưu - Điện Nam, liền trước và sau năm 1945 có các ông Thân Kim Huệ, Thân Mãn... Năm 1947, ông Thân Kim Huệ làm phó Chủ tịch xã Cổ An (bao gồm Cổ An và An Lưu gộp lại). Còn ông Thân Mãn tham gia chỉ huy quân sự tại địa phương sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công.
Trong hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ, Thân tộc ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng đã đóng góp công sức to lớn vào công cuộc kháng chiến và trong đó có nhiều người đã vĩnh viễn ra đi. Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, những người còn sống sót đã tập kết ra Bắc theo hiệp định Genève tiếp tục học tập, công tác hoặc trở về Nam chiến đấu. Sự đóng góp của Thân tộc thời kỳ này không thể kể ra hết được. Ở đây xin được phép đề cập đến một nhà thơ, nhà báo và cũng là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trong thời kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất.
Ông Thân Như Thơ vốn gốc tại Câu Nhi, nhưng sinh ra tại Hội An (1931), tham gia chống Pháp từ năm 1947 chiến đấu tại Khu V và Tây Nguyên. Năm 1954, tập kết ra Bắc, học Trường Sĩ quan lục quân 3 năm (1955 - 1957). Năm 1960, tham gia lớp đào tạo chính quy để trở thành cán bộ chỉ huy tác chiến, tình nguyện vào Nam chiến đấu. Suốt 9 năm chiến đấu ở Trung đoàn Độc lập rồi về Sư đoàn 2 của Khu V, có tham gia trận đánh Ba Gia nổi tiếng. Sau đó bị thương, điều về Buổi phát thanh của quân Giải phóng miền Nam (Đài Phát thanh Giải phóng) làm phóng viên - biên tập. Anh được giao tập hợp tin tức làm các tin chiến sự về Tây Nguyên và Liên Khu V, biên tập các tin của phóng viên mặt trận gửi về từ các tỉnh Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Hoà, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ngoài viết báo ông còn sáng tác văn thơ: Đêm tiếp vận (Thơ - 1951), Những anh hùng chiến đấu miền Nam (Truyện ký - 1962), Mùa sao sáng (Thơ - 1970), Vượt lên phía trước (Truyện ký - 1975), Tháng 3 Tây Nguyên[30] (Thơ - 1972). Sau khi đất nước thống nhất, ông chuyển về công tác tại Ban Biên tập Tạp chí Huấn luyện chiến đấu của Bộ Tổng tham mưu, nghỉ hưu năm 1989, mất năm 2001.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, cả nước ra sức dựng xây và bảo vệ đất nước, Thân tộc ở Quảng Nam - Đà Nẵng lại tiếp tục vươn lên góp phần. Trong quá trình học tập, công tác, nhiều người đã phấn đấu không mệt mỏi, đạt đến trình độ đại học, trên đại học... Họ đóng góp nhiều cho đất nước, xã hội trên nhiều lĩnh vực khác nhau[31]: làm công tác khoa học, kỹ sư, bác sĩ, giảng viên đại học, cán bộ lãnh đạo ở các địa phương, các cơ quan Nhà nước hay công ty kinh doanh... Đặc biệt hiện nay có Ô. Thân Đức Nam đứng đầu Tổng công ty đang nổi tiếng ăn nên làm ra - Tổng Công ty Cienco 5.
Lớp trẻ trong Thân tộc đã ra sức trong học tập, công tác: như Thân Trọng Vũ tốt nghiệp bác sĩ xong học tiếp Thạc sĩ. Vừa qua trong cuộc thi tuyển chọn 4 trong số 44 người để qua Pháp học, Vũ đứng đầu. Em Thân Tiến Thịnh (con ông Thân Tiến ở Đà Nẵng) đoạt vòng nguyệt quế cuộc thi Đường lên đỉnh Ôlympia 2002[32]...
Theo thời gian, cho đến nay con cháu của tộc Thân có mặt hầu như khắp nơi trên các địa phương thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Trà My, Hiên, Nam Giang ...(tỉnh Quảng Nam), Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Hoà Vang, Liên Chiểu (Tp. Đà Nẵng), các quận huyện ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh khác và cả ở nước ngoài (Mỹ, Australia...). Dù ở đâu, họ vẫn luôn nghĩ về quê hương, đất nước và ra sức phấn đấu học tập, công tác để góp phần ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Trên đây là những hiểu biết bước đầu về Thân tộc với vùng đất Quảng Nam, về nguồn gốc và sự phát triển, sự đóng góp của tộc Thân trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng vào sự nghiệp chung qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời, nó cũng khơi dậy niềm tự hào chân chính của bà con Thân tộc nói riêng, của nhân dân ta nói chung về sự đóng góp của mọi người dân Việt Nam đối với đất nước, dân tộc; từ đó tin tưởng và ra sức hơn vào công cuộc xây dựng đất bước hiện nay.
Đà Nẵng, tháng 10/2004.
Nguyễn Xuyên *
----------------------------------------------------------------------------------
* ThS. Sử học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.
[1] GS Trần Quốc Vượng (chủ biên). Những di tích thời tiền sử và sơ sử ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Sở Văn hoá - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng xuất bản, Đà Nẵng, 1985.
[2] Công nhân Công ty Hải sản phát hiện được.
[3] Các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện ở Đà Nẵng di tích mộ táng, kiểu mộ chum; hoặc di tích vừa là nơi cư trú, vừa là mộ táng thuộc nền văn hoá Sa Huỳnh.
[4] Huỳnh Công Bá, Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII (Luận án Tiến sĩ, chuyên ngành lịch sử Việt Nam, mã số: 5.03.15) 1996.
[5] Phần lớn người Việt rời bỏ quê hương mới về lại phía bắc đèo Hải Vân hoặc đèo Ngang.
[6] Nguyễn Trãi đã từng gọi huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong của đạo Hoá Châu là đất phên đậu, là vùng đất ranh giới phải canh phòng cẩn thận.
[7] Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, sđd, tr.79.
[8] Đạo Thừa tuyên Quảng Nam sau đó (1490) đổi lại gọi là Xứ QuảngNam, năm 1520 gọi là Trấn Quảng Nam, năm 1602 gọi là Dinh Quảng Nam. Năm Hoằng Định thứ 5 (1604) có sự cải đặt và đổi tên các khu vực hành chính hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam. Lấy huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong nâng lên làm phủ Điện Bàn (quản 5 huyện là Tân Phước, An Nông, Hoà Vinh, Diên Khánh, Phúc Châu), lệ thuộc vào xứ Quảng Nam. Như vậy từ năm 1604, phía Bắc Quảng Nam không còn nằm trong Thuận Hoá nữa. Đến năm 1803 lấy đất hai phủ Thăng Hoa và phủ Điện Bàn đặt làm Quảng Nam dinh, năm 1827 đổi là trấn Quảng Nam, đến năm 1832 đổi thành tỉnh Quảng Nam. Xem thêm: Phan Khoang. Việt sử xứ Đàng Trong, sđd, tr.125.
[9] Huyện Lê Giang, nhà Nguyễn ban đầu đổi là Lễ Dương, sau chia đất cho sáp nhập vào huyện Duy Xuyên, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình; Hà Đông nay là Tam Kỳ; Hy Giang nay là Duy Xuyên.
[10] Chúa Nguyễn Hoàng đổi phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa. Tây Sơn đổi làm Hoà Nghĩa. (Hoà Nghĩa trở vào thuộc Trung ương Hoàng đế, Thăng, Điện trở ra bắc thuộc Bắc Bình Vương).Huyện Mộ Hoa đến đời Thiệu Trị vì kiêng huý chữ Hoa nên đổi thành Mộ Đức. Huyện Nghĩa Giang đến đời Thành Thái chia đất sáp nhập vào huyện Nghĩa Hành và phủ Tư Nghĩa.
[11] Huyện Phù Ly nay là đất huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ. Huyện Tuy Viễn nay thuộc huyện Tuy Phước, huyện An Nhơn.
[12] Phủ Triệu Phong lãnh 6 huyện: Kim Trà (sau đổi là Hương Trà), Đan Điền (sau đổi là Quảng Điền, năm 1635 lại tách ra một phần đặt thêm huyện Phong Điền), Hải Lăng, Tư Vinh (sau đổi làm Phú Vinh, thường họi là Phú Vang, nay là đất huyện Phú Vang và Phú Lộc), Điện Bàn, Vũ Xương (sau đổi là Đăng Xương, rồi Thuận Xương; nay là phần lớn đất Triệu Phong, Quảng Trị). Phủ Tân Bình lãnh 2 huyện: Khương Lộc (nay thuộc Quảng Ninh, Quảng Trị), Lệ Thuỷ và hai châu Minh Linh (nay là Vĩnh Linh, Do Linh - Quảng Trị), Bố Chính (nay là Quảng Trạch, Bố Trạch và Tuyên Hoá - Quảng Bình)
[13] Phủ Tân Bình có 2 huyện là Khang Lộc (4 tổng, 80 xã, 7 thôn, 4 trang), huyện Lệ Thuỷ (6 tổng, 28 xã, 2 trang); châu Bố Chính (12 tổng, 64 xã, 24 phường, 29 trang); châu Minh Linh (8 tổng,63 xã). Phủ Triệu Phong có 6 huyện, 2 châu: huyện Kim Trà 8 tổng, 71 xã; huyện Đan Điền 8 tổng, 65 xã; huyện Hải Lăng 7 tổng, 75 xã; huyện Tư Vang 6 tổng, 52 xã; huyện Điện Bàn 12 tổng, 66 xã.; huyện Vũ Xương 8 tổng, 53 xã; châu Sa Bồi 10 tổng, 68 xã; châu Thuận Tình 6 tổng, 26 xã.
[14] Dẫn theo Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, sđd, tr.93. Vào đời Mạc Phúc Nguyên (1546-1561), tức đời Lê Anh Tông, theo Ô châu cận lục (Dương Văn An nhuận sắc tập thành; Bùi Lương phiên dịch, Sài Gòn, 1961, tr. 41-42) thì huyện Điện Bàn có 12 tổng, 66 xã là: Đức Ký, Nông Sơn, Bất Nhị, Đông Bàn, Hoa Thử, Đa Thử, Kỳ Ba, Giáng La, Cẩm Đăng, Điểu Kha, Lỗi Sơn, Thạch Phố, Tử Sa, Giáo Ai, Bồn Khúc, Lệ Sơn, Gia Cốc, Bàng Trạch, Ai Đái, Phiếm Ai, Kim Nê, Yến Nê, Tuý Loan, Kim Toại, Diêm Sơn, QuảngHoá Thị Phụ, Hoa Hồ, Liên Trì, Mại Giảng, La Nghi, Phong Hồ, Giản Đông, Minh Châu, Kim Sa, Bình Sa, Bích Trâm, Hà Khúc, Lôi Trạch, Mông Lãnh, Mông Vân, Địch Khang, Thọ Khang, Phú Khang, Chiêm Sơn, Trà Đình, Văn Quật, Thi Lai, Lang Châu, Mạc Xuyên, Hoài Phô, Bàn Cố, Kim Lũ, Nhân Chiêm, Uất Luỹ, Xuyên Đồ, Cẩm Lệ, Cúc Luỹ, Lỗ Giáng, Thạc Giản, Vân Dương, Kim Quít, Hoá Khuê, Kim Khuê, Đại Đái.
[15] 24 vị thuộc các tộc ho: Phan, Hà, Trần, Dương, Thân, Nguyễn, Tào, Huỳnh, Ngô, Đỗ, Đoàn, Đinh, Hồ, Trịnh, Mai, Mạc, Lê, Tống, Đề. Xem thêm: Huỳnh Công Bá. Công cuộc khai khẩn và phát triển làng xã ở Bắc Quảng Nam từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII. Sđd.
[16] Thân Nhân Trung (đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Sửu -1469), 2. Thân Tông Vũ (Tiến sĩ năm Tân Sửu - 1481), 3. Thân Cảnh Vân (Thám hoa năm Đinh Mùi - 1487), 4. Thân Nhân Tín (Tiến sĩ năm Canh Tuất - 1490), 5. Thân Duy Nhạc (Tiến sĩ năm Mậu Thìn - 1508), 6. Thân Khuê (Tiến sĩ năm Mậu Thìn - 1628), 7. Thân Toàn (Tiến sĩ năm Nhâm Thìn - 1652), 8. Thân Trọng Tiết (Tiến sĩ năm Tân Hợi - 1851), 9. Thân Trọng Ngật (Phó bảng năm Giáp Thìn - 1904). Trần Hồng Đức, Các vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nôi, 1999, tr. 226.
[17] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên (Tổ phiên dịch Viện sử học phiên dịch), tập XXVIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.314.
[18] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, sđd, tr.316.
[19] Lực lượng này gồm 13 tàu chiến: Némésis, Phlégéton, Primauguet, Fusuée, La Place, Avalanche, Régent, Dragonne, Alarme, Mitraille, Saôné, Gironde, Meurthe và tàu và 2 tàu thuê của tư nhân, với 1500 quân; lực lượng Tây ban Nha gồm 3 tàu chiến: El Cano, Durance, Dordogone với 850 lính Âu và da đen do đại tá Lanzarotte chỉ huy. Tổng cộng Liên quân gồm 2.350 quân với 16 chiến hạm2; trong đó có những tàu chiến trang bị nhiều vũ khí tốt, như tàu Mémesis trang bị đến 50 khẩu đại bác hiện đại có sức công phá lớn và khả năng sát thương cao. Đáng lưu ý trong hàng ngũ địch có 2 đại đội "lính bản xứ" gồm các giáo dân phản động, bọn thổ phỉ và dân phu Tàu (Theo Lịch sử Thành phố Đà Nẵng. Nxb.Đà Nẵng.2001). Cần nói thêm là có nhiều tài liệu đưa ra những con số cụ thể khác nhau. Võ Văn Dật (Luận văn Cao học "Lịch sử Đà Nẵng 1306 - 1950" - Bản đánh máy, lưu ở Ban Tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng) nói có 12 tàu và 2000 quân; Đỗ Quang Hưng, Đỗ Trung (Chiến trận ở Đà Nẵng 139 năm trước diễn biến và kết cục. Tc NCLS 5 + 6/1987) cho rằng có 12 chiếc và 1500 quân. Tác giả Nguyễn Khắc Đạm (Nguyễn Tri Phương đánh Pháp. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, HN,1998) thì cho rằng có 3000 quân. Quốc sử quán triều Nguyễn thì ghi là 12 chiếc tàu Tây... Xem thêm số liệu trong "Histoire militaire de l’Indochine francaise" của G.Taboulet.
[20] Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884). Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh.1999, tr.367.
[21] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.Tập XXVIII, sđd,Tr. 440.
[22] Như Tôn Thất Phan (thủ thành An Hải), Tôn Thất Cháy (thủ thành Điện Hải) cùng 8 viên quan khác bị cách chức và lập công chuộc tội.
[23] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.Tập XXVIII. Nxb KHXH..1973.Tr. 442
[24] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.Tập XXVIII. Nxb KHXH..1973.Tr. 440-442
[25] Xem :Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVIII, Sđd, tr. 441.
[26] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên.Tập XXIX, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1974, Tr. 5-6.
[27] Philippe Héduy, Histoire de l’Indochine. SPL Henri Veyrier.
[28] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên. Tập XXIX, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1974,Tr. 207..
[29] Trích gia phả họ Thân. GS Thân Trọng Ninh cung cấp. Dẫn theo GS. Chương Thâu.
[30] Có những bài thơ của ông Thân Như Thơ như: Tháng 3 Tây Nguyên, Lúa đồng Tây Nguyên được nhạc sĩ Văn Thắng phổ nhạc. Đặc biệt bài nhạc Tháng 3 Tây Nguyên được nhiều người ưa thích.
[31] Nghiên cứu lịch sử Đảng - Ô.Thân Thỉnh; kỹ sư nông nghiệp -Ô. Thân Trọng Cưu; giảng viên Đại học Bách Khoa -Ô. Thân Cưu; kỹ sư nông nghiệp làm P.Giám đốc Công ty Dâu - Tằm - Tơ (Ô. Thân Ký)....
[32] Một cuộc thi trong năm này.
Họ Thân xuất phát từ vùng núi phía Bắc, thuộc dân tộc ít người, mở đầu là Thân Thừa Quý đầu đời Lí, vốn là thủ lĩnh động Giáp, Châu Lạng (nay tỉnh Lạng Sơn), mang họ Giáp. Lí Công Uẩn sau khi lên ngôi (tức Lí Thái Tổ), ...
Lễ phát thưởng khuyến học năm 2018 cho các cháu con em họ Thân Thừa Thiên Huế học giỏi nhân ngày lễ Túc Yết Chạp Mộ Họ ngày mồng 9 tháng 7 Mậu Tuất (19/8/2018)
Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội đồng Thân tộc Việt Nam, sau một thời gian thực hiện các bước chuẩn bị. Trong 02 ngày từ 27 đến 28/10/218 Hội đồng Thân tộc Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2018 – 2023.
Thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2 Hội đồng Thân tộc huyện Yên Thế
Trong không khí phấn khởi và tự hào hướng tới các hoạt động kỷ niệm 1000 năm họ Thân.Vào lúc 8 giờ sáng, ngày 5 tháng 9 năm 2010 các bạn trẻ họ Thân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức giao lưu, gặp mặt và thành lập Ban liên lạc Tuổi trẻ họ Thân tại tỉnh Thừa Thiên Huế.