Họ Thân - một nguồn sông tỏa trăm nhánh

Họ Thân là một dòng tộc đặc biệt trong các dòng tộc của Việt Nam. Với chính sách hòa hiếu để giữ gìn biên cương, vào thời Lý, họ Thân ở Động Giáp có 3 vị cùng một nhà được làm Phò mã các vua nhà Lý. Đó là ông Thân Thừa Quý được vua Lý Thái Tổ gả Lĩnh Nam Công Chúa (Lý Thị Bảo Hòa); Con ông Quý là Thân Thiệu Thái được vua Lý Thái Tông gả Bình Dương Công Chúa (Lý Thị Giám); cháu là Thân Cảnh Phúc được vua Lý Thánh Tông gả Thiên Thành Công Chúa (Lý Thị Cảnh).

Đền Hả thờ Thân Cảnh Phúc ở Lục Ngạn, Bắc Giang

3 phò mã châu mục Lạng Châu này đã có công lớn trong việc bảo vệ biên giới phía Bắc của nước Đại Việt. Đặc biệt, ông Thân Cảnh Phúc là một anh hùng dân tộc hy sinh trong kháng chiến được nhân dân suy tôn là “Động Giác Thiên Thần”.

Họ Thân sau này còn rất nhiều người nổi tiếng như: Thân Công Tài - người phát triển kinh tế xứ Lạng; Thân Văn Nhiếp, Thân Trọng Tiết, Thân Đức Luận... đều là những người có công với dân, với nước; Đặc biệt, có một người con họ Thân đã nổi tiếng khắp nước mà nhiều người biết tới là ông Thân Nhân Trung đỗ tiến sĩ năm 1469.

Tấm bia đề danh tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu do Đại học sĩ Thân Nhân Trung phụng soạn theo chiếu của vua Lê Thánh Tông có một câu nói đã trở nên bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Con của Thân Nhân Trung là Thân Nhân Tín, Thân Nhân Vũ đều đỗ tiến sĩ. Con Thân Nhân Tín là Thân Cảnh Vân đỗ thám hoa năm 1487. Có thể thấy, đây là thời kỳ cực thịnh về văn học nước nhà.

Theo GS. Phan Huy Lê: Nguồn gốc của họ Thân bắt đầu từ những vị tổ đầu tiên của họ Thân là các Phò mã nhà Lý cùng những di tích liên quan từ địa danh mang tên Giáp/ Kép/ Thân đến những di tích cung điện ở Tòng Lệnh (xã Trường Giang, Lục Ngạn), Bồng Lai (xã Phượng Sơn, Lục Ngạn), những đền thờ trên lưu vực sông Lục Nam, trong đó có đền Hả (xã Hồng Giang, Lục Ngạn). Điều được nhiều người quan tâm là mối quan hệ giữa họ Giáp và họ Thân cùng phạm vi động Giáp được coi là trung tâm của thủ lĩnh họ Giáp/ Thân thời Lý. Từ những tư liệu chính sử của ta kết hợp với tư liệu trong thư tịch cổ Trung Quốc và các tư liệu địa phương, trong đó có gia phả, thần tích, di tích, truyền thuyết, lễ hội..., nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ.

Di tích cung điện ở Tòng Lệnh, Bồng Lai đã bước đầu được thám sát và đã tìm thấy những di vật mang niên đại Lý như gạch có chữ Hán “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (năm 1057) cùng những di vật mang phong cách đặc trưng thời Lý như đã tìm thấy ở tháp Phật Tích tại Bắc Ninh và khu di tích Hoàng Thành Thăng Long mới phát lộ ở 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Hy vọng, rồi đây những cuộc thám sát và khai quật khảo cổ học sẽ phát hiện và xác minh những di tích có giá trị này. Riêng đền Hả ở xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn), qua thần tích, văn tế, câu đối... có thể xác định là đền thờ các công chúa nhà Lý như: công chúa Bình Dương, Thiên Thành...

Trên cơ sở nghiên cứu thu thập gia phả các chi họ Thân, ta có thể biết vùng Lạng Châu xưa, nay là vùng tỉnh Bắc Giang và nam Lạng Sơn được coi là cái nôi của dòng họ Giáp/ Thân... Đến nay, họ Thân là dòng họ lớn và phân bố khá rộng trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang, tuy cũng đã phân chi và mang thêm tên đệm khác nhau như: Thân Đức, Thân Văn, Thân Mạnh, Thân Duy, Thân Nhân...

Qua điều tra thực địa và nghiên cứu gia phả, Hội đồng Thân tộc và các nhà khoa học, đã bước đầu phác họa quá trình và con đường thiên di của các chi họ Thân từ Bắc Giang xuống vùng đồng bằng sông Hồng, lan vào Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, vào Thừa Thiên Huế, vào Đà Nẵng, Quảng Nam rồi vào đến một số tỉnh, thành phố Nam bộ. Sự lan tỏa về phương Nam của họ Thân gắn liền với quá trình mở mang bờ cõi của dân tộc, công cuộc khai phá đất đai và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Nhưng những người con họ Thân sống ở phương xa vẫn không bao giờ quên cội nguồn nguyên thủy: “Tộc Thân ta đời đời nghe tiếng gọi/ Của tiền nhân tiên liệt mãi vọng về/ Tỉnh Bắc Giang đất tổ cách sơn khê/ Miền Lục Ngạn, Lục Nam là cố thổ... Người họ Thân định cư trên nhiều tỉnh/ Bắc, Trung, Nam (trong đó có Sài Gòn)/ Mỗi trang đời rạng rỡ dấu khuyên son... Cây nhiều nhánh nhưng cội già vẫn một” (Tập thơ Bốn cánh chim xa).

Theo Đại Đoàn Kết 

Bài viết khác

Lễ Giỗ tổ Tộc THÂN Câu Nhi Quảng Nam tại TP. HCM và 20 năm khánh thành nhà thờ

 

ĂN QUẢ NHỚ NGƯỜI TRỒNG CÂY, UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN. CHIM CÓ TỔ NGƯỜI CÓ TÔNG

 

 

Lễ kỷ niệm 1010 năm họ Thân Việt Nam

Thông tin về lễ kỷ niệm 1010 năm họ Thân VN tại Nhà thờ tổ ở Bắc Giang ngày 13/12/2020

Chuyện về 'ái nữ' của hoàng đế Minh Mạng và Phò Mã Thân Văn Di

Thân Trọng Di (hay Thân Văn Di, tự Như Phủ) (1825-1885)