BÁC SĨ THÂN VĂN QUYỀN: NGƯỜI LUÔN ĐAU ĐÁU VỚI NGÀNH ĐIỀU TRỊ ĐAU

Có lẽ, khi mình thực sự mong muốn làm một điều gì đó bằng cả tấm lòng thì cả vũ trụ sẽ hợp sức giúp mình là có thật.

Tình cờ bén duyên

Là một Bác sĩ trẻ về công tác tại Khoa Gây mê – Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng năm 2014 theo Đề án 922. Kinh nghiệm 7 năm làm việc tại đây, một trong những vấn đề mà Bác sĩ gây mê phải đối mặt hàng ngày là Điều trị đau cho bệnh nhân. Xuất phát từ nhu cầu công việc, Bác sĩ Thân Văn Quyền bắt đầu tìm tòi và bén duyên với lĩnh vực Điều trị đau.

Điều bất ngờ đó là, ngày còn ngồi trên ghế nhà trường (Đại học Y Hà Nội) khi đó, Bác sĩ Thân Văn Quyền cũng như nhiều bạn đồng môn không được học về gây mê nên không có ý niệm nào về chuyên ngành này khi ra trường. Vì thế, Con đường đến với chuyên ngành Gây mê và sau đó là Điều trị đau rất ngẫu nhiên, nói đúng hơn là nghề chọn người.

Bác sĩ Thân Văn Quyền - Phụ trách Đơn vị Điều trị Đau (Khoa Gây mê Hồi sức - Bệnh viện 199)

Trong thời gian công tác tại Khoa Gây mê, bằng tinh thần học hỏi không ngừng, với khao khát được đào tạo sâu hơn về lĩnh vực Điều trị đau, Bác sĩ Thân Văn Quyền đã nộp hồ sơ ứng tuyển và nhận được học bổng sau đại học chuyên ngành Điều trị đau tại Đại học Mahidol (Thái Lan). Học bổng đồng tài trợ bởi Hội Nghiên cứu đau thế giới (IASP) và Liên hiệp các hội gây mê thế giới (WFSA).

Vị Bác sĩ trẻ trở thành 1 trong 2 Bác sĩ châu Á nhận được học bổng và là người Việt Nam thứ 2 nhận được học bổng quý giá này. Sau 1 năm đào tạo tại Đại học Mahidol, tốt nghiệp và trở về nước vào đầu năm 2020.

Đáng nói ở chỗ, như Bác sĩ Thân Văn Quyền chia sẻ thì ở thời điểm này chuyên ngành Điều trị đau vẫn là một thứ xa lạ, không chỉ với người dân mà kể cả người trong ngành Y. Hầu hết các đồng nghiệp lúc đấy còn không biết chuyên ngành này là gì.

Thế mới nói, cũng ở thời điểm đó, có lẽ Bác sĩ Thân Văn Quyền là một trong số rất ít Bác sĩ ở Việt Nam và là Bác sĩ duy nhất ở khu vực miền Trung được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành Điều trị đau.

Đau đáu với ngành Điều trị đau

Như đã đề cập ở trên, thời gian qua ngành Điều trị đau dường như vẫn còn bỏ ngõ nên xa lạ với người dân và cả người làm việc trong ngành Y. Sau thời gian được đào tạo chuyên sâu theo chuẩn chương trình quốc tế và về nước công tác, Bác sĩ Thân Văn Quyền thấy khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn, thậm chí không tìm được tiếng nói chung với đồng nghiệp để áp dụng chuyên môn.

Mặt khác, theo một con số thống kê cho thấy, thực trạng Điều trị đau ở Việt Nam nói chung lại còn đang rất yếu. Theo Tổ chức quan sát bệnh tật toàn cầu, liên tục 3 thập niên từ 1990 đến 2019, đau luôn là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn phế ở Việt Nam.

Từ thực tiễn của quá trình công tác, cộng với những con số thống kê khiến Bác sĩ trẻ cảm thấy rất day dứt. Bởi vì với tư cách là người nhận học bổng từ IASP, anh cảm thấy trách nhiệm của cần làm điều gì đó để cải thiện thực trạng đáng buồn này.

“Loay hoay 2 năm kể từ ngày về nước không làm được gì nhiều, trong khi rất nhiều bệnh nhân cần mình, lại nhìn thấy những thực hành Điều trị đau chưa chuẩn do chưa được đào tạo bài bản. Thực sự em rất buồn,cảm giác như bị trói tay chân không làm được gì”, Bác sĩ Thân Văn Quyền chia sẻ.

Trong nỗi niềm day dứt đó, rất may còn có Giáo sư Nantthasorn (người hướng dẫn trong thời gian ở đại học Mahidol) thấu hiểu. Và như Bác sĩ Thân Văn Quyền chia sẻ thì có lẽ đây là thời điểm chính thức bắt đầu sự nghiệp của một Bác sĩ Điều trị đau.

Chính nhờ sự quan tâm của Giáo sư Natthasorn, Bác sĩ Thân Văn Quyền đã được kết nối với nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Điều trị đâu như: Bác sĩ Mary Cardosa - Thư ký IASP, kiêm Thư ký Hội Nghiên cứu đau châu Á, Chủ tịch Hội Nghiên cứu đau Malaysia.

Giáo sư Roger Goucke - nguyên Chủ tịch Hội Nghiên cứu đau Úc; Giáo sư Michael Nicholas - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Điều trị đau Đại học Sydney, Úc; Giáo sư Andrew Rice - Chủ tịch IASP.

Được sự hỗ trợ từ các chuyên gia hàng đầu thế giới, Bác sĩ Thân Văn Quyền đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo Điều trị đau cho các Bác sĩ ở Việt Nam. Nổi bật nhất là Chương trình “Điều trị đau thiết yếu”, tổ chức vào tháng 6/2021 cho hơn 30 học viên là các Bác sĩ, Điều dưỡng tại khu vực miền Trung.

Hoặc Chương trình “Điều trị đau đa ngành”, tổ chức vào tháng 11-12/2021 tại… cho hơn 60 Bác sĩ cả nước, trong đó có cả các Giáo sư, Tiến sĩ từ các chuyên ngành liên quan tham gia.

Thông qua những chương trình này, không chỉ giúp vị Bác sĩ trẻ kết nối được với các chuyên gia trong nước, mà còn giúp nâng cao nhận thức về Điều trị đau tại Việt Nam. Kết quả, khoảng từ đầu năm 2022 lại nay, Đều trị đau trở thành một chủ đề nóng trong ngành y tế, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều đối tượng.

Vấn đề ở chỗ, dù tham gia rất nhiều hoạt động cùng các chuyên gia quốc tế. Có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đăng báo quốc tế, nhưng Bác sĩ Thân Văn Quyền lại không được thực hành lâm sàng tại nơi mình công tác trước đó là Khoa Gây mê – Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

Để rồi, thêm một lần day dứt, thêm một lần đau đáu với ngành Điều trị đau, Bác sĩ Quyền đã phác thảo một Đề án phát triển đơn vị đau và gửi cho một số lãnh đạo các đơn vị y tế trên địa bàn. Đề án đã được Đại tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Quách Hữu Trung - Giám đốc Bệnh viện 199 ủng hộ. Và rất nhanh sau đó, Đơn vị Điều trị Đau (thực thuộc Khoa Gây mê Hồi sức) chính thức ra đời.

Nguồn : Viện 199