Vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, thành phố Huế vốn được coi là một nơi êm đềm lặng lẽ như dòng sông Hương đã bắt đầu bị khuấy động. Sự kiện lớn nhất vang dội đến thành phố này là vụ cụ Phan Bội Châu, niềm ngưỡng mộ của toàn thể quốc dân, đã bị bắt ở Thượng Hải và dẫn độ về nước, đã gây nên một không khí bàng hoàng trong hầu hết trí thức và thanh niên học sinh. Bản án tử hình mà tòa đại hình Hà Nội gán cho cụ đã làm dấy lên một phong trào đòi "ân xá" cho nhà ái quốc lớn đó. Phong trào bắt đầu ở Hà Nội nhưng cũng nhanh chóng lan đến Huế, mặc dầu hồi đó ở Huế chưa có báo chí để đưa tin, nhưng những tin tức đó cứ truyền đi kịp thời.
Lúc đó ở trường Đồng Khánh Huế, trường nữ học duy nhất của miền Trung, có hai cô giáo trẻ vừa tốt nghiệp cao đẳng tiểu học được bổ nhiệm dạy học tại trường. Đó là các cô Hoàng Thị Vệ và Trần Thị Như Mân. Cô Vệ là người Hà Tĩnh, còn cô Mân là con một gia đình quan lại lớn tại Huế, là một đôi bạn thân cùng chí hướng. Hai cô đã vận động một số chị em là giáo viên và học sinh trong trường cùng thảo một bức điện gửi lên Toàn quyền Varenne để xin ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Bức điện bằng chữ Pháp có nội dung như sau:
"Kính gởi quan toàn quyền A. Varenne ở Hà Nội.
Chúng tôi tất cả nữ giáo viên và nữ học sinh trường Đồng Khánh xin ngài lấy lòng khoan dung ân xá cho nhà ái quốc Phan Bội Châu".
Bức điện đưa cho người tùy phái của trường đi gửi ở nhà Dây thép, không biết có được chuyển đi hay không, nhưng ngay trưa hôm đó, viên Giám đốc Nha học chánh Trung Kỳ đến trường, cho gọi tất cả giáo viên lên phòng bà Hiệu trưởng để xét hỏi xem ai là người khởi xướng gửi bức điện đó. Hai cô Hoàng Thị Vệ và Trần Thị Như Mân đã đứng ra nhận hết mọi trách nhiệm về mình. Các cô cho đây là một việc riêng không liên quan gì đến công việc của trường, vì vậy không cần hỏi ý kiến bà hiệu trưởng. Hai cô còn phản đối việc nhân viên nhà Dây thép đã nhận tiền mà lại không chịu gửi bức điện đi:
"Chúng tôi không xấu hổ về việc làm của mình, mà chỉ noi gương các chị em ở Hà Nội đã dám chặn xe quan Toàn quyền đệ đơn xin cho người anh hùng của dân tộc chúng tôi. Chúng tôi không bị ai bên ngoài xúi giục cả. Chúng tôi hành động với tư cách phụ nữ Việt Nam, chứ không phải với tư cách giáo viên hay học sinh của trường. Chúng tôi phản đối những điều thẩm vấn công khai đối với chúng tôi" [1].
Trước thái độ dứt khoát của các cô giáo, ông Giám đốc học chính và bà Hiệu trưởng không nói gì, nhưng tất nhiên họ không thể cho qua. Cuối năm học đó, cô Hoàng Thị Vệ bị đổi ra dạy trường tiểu học Vinh, còn cô Trần Thị Như Mân thì cho thôi dạy học để làm công việc giám thị, một cái nghề không được học sinh và giáo viên thời đó coi trọng.
Nhưng như câu tục ngữ đã nói: trong cái rủi có cái may. Chính vì bị đổi ra Vinh mà cô giáo Hoàng Thị Vệ mới có cái duyên gặp gỡ với một thanh niên người Huế cũng mới được điều về đấy. Đó là Thân Trọng Phước, tốt nghiệp trường Y sĩ Đông Dương ở Hà Nội.
*
* *
Xuất thân trong một dòng họ có tiếng ở Huế, Thân Trọng Phước sinh năm 1902, học hết bậc trung học ở trường Quốc học Huế, năm 1921 vào học Trường Y khoa Hà Nội, sau 7 năm tốt nghiệp, được phong danh hiệu Thầy thuốc Đông Dương (médecin indochinois). Bệnh viện Vinh là nơi ông được bổ nhiệm khi ra trường.
Cụ thân sinh Thân Trọng Dược là người đã học chữ Pháp rất sớm khi còn theo học chữ Hán, cho nên năm 1900 đã ghi tên vào trường thuốc ở Hà Nội, nhưng rồi bỏ học vì cãi nhau với giáo sư người Pháp. Năm 1905 ông nộp đơn xin đi làm cho một công ty thăm dò khai thác quặng mỏ, rồi lại chuyển sang làm nghề dạy học tư ở Thanh Hóa... Chiến tranh thế giới bùng nổ, ông tình nguyện đăng lính sang Pháp, khi trở về được được Chính phủ bảo hộ trả ơn bằng việc cho làm thư ký tại Bộ Lễ, mà Thượng thư bộ này là người trong họ. Vì thông thạo tiếng Pháp và chữ Hán nên sau ít lâu, ông được bổ đi làm tri phủ Hòa Đa tỉnh Phan Thiết. Với tính tình cương trực, không chịu làm những việc có hại cho dân nên một lần ông đã chống lại lệnh Tuần phủ trong việc bắt dân nộp sưu, bị triều đình cách chức. Trở về Huế, ông lên làng Cổ Bi giáp núi, phá rừng lập đồn điền trồng chè, sống cuộc đời tự tại không khuất phục cường quyền, nhờ vậy mà nuôi được các con ăn học thành đạt. Đối với người con trưởng Thân Trọng Phước, ông cũng mong muốn cho theo học ngành y để sau này có thể làm việc độc lập.
Chịu ảnh hưởng giáo dục trong gia đình, Thân Trọng Phước đã sớm có ý thức về trách nhiệm của một người dân mất nước. Cho nên không lấy làm lạ rằng ngay sau khi đến Vinh, ông đã có liên hệ với những người yêu nước ở đây, tham gia hoạt động trong đảng Tân Việt. Thân Trọng Phước được giao nhiệm làm vụ thủ quĩ của tổ chức đảng, trên danh nghĩa là như vậy, nhưng sự thực ông phải bỏ tiền lương ra để lo việc chi tiêu cho tổ chức. Những sự tiếp xúc của Thân Trọng Phước đã khiến nhà cầm quyền Pháp ở Vinh nghi ngờ, nhưng chúng không có chứng cớ cụ thể. Tuy nhiên để ngăn ngừa trước, chúng vẫn đổi ông lên làm việc tại Buôn Ma Thuột.
Lúc này Thân Trọng Phước đã kết hôn với cô giáo Hoàng Thị Vệ, ông không thể ở mãi trên miền núi xa vợ con. Vì vậy năm 1930, ông xin thôi việc để trở về Huế. Hai ông bà mua lại một ngôi nhà nhỏ ở gần chợ Đông Ba cũ, mở phòng khám bệnh tư. Sau này ngôi nhà đã được sửa lại gồm bốn gian, có một tầng lầu, vẫn giữ nguyên cho đến nay ở số 161 Phan Đăng Lưu. Lúc này đảng Tân Việt ở Huế vừa trải qua một đợt bắt bớ của nhà cầm quyền thực dân, một số yếu nhân của đảng đã bị cầm tù như Đào Duy Anh... Hơn nữa lúc này đảng Tân Việt không còn hoạt động, vì vậy mà Thân Trọng Phước cũng mất liên lạc với tổ chức. Nếu như Đào Duy Anh sau khi ra tù đã tự lượng sức mình, thấy không thể tiếp tục con đường hoạt động chính trị, mà dồn sức vào hoạt động văn hóa và giáo dục [2], thì có lẽ Thân Trọng Phước cũng lấy hoạt động xã hội và y tế làm mục tiêu cho cuộc sống của mình. Và cũng từ đấy giữa Thân Trọng Phước và Đào Duy Anh đã kết một tình bạn lâu dài, gắn bó hai gia đình với nhau, cho đến tận thế hệ các con sau này. Vì lúc đó cô giáo Trần Thị Như Mân, người bạn cũ của cô Hoàng Thị Vệ đã trở thành bà Đào Duy Anh. Nhờ có nhiều mối quen biết trong gia đình Thân Trọng, cô Hoàng Thị Vệ đã được nhận trở lại dạy ở trường Đồng Khánh.
Huế hồi đó là trung tâm văn hóa duy nhất của Trung Kỳ. Chỉ ở đây mới có các trường học đến bậc tú tài như trường Quốc học, Providence (Thiên hựu). Nếu như trước kia, người ở Huế muốn làm báo thì phải vào Sài Gòn hay ra Hà Nội mới có đất dụng võ, thì từ năm 1927, sau khi báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đời, tiếp đấy còn có những báo khác, không khí sinh hoạt của Huế đã đổi khác. Vì vậy mà Huế trở thành nơi tập trung nhiều trí thức từ các tỉnh phía bắc và phía nam tìm về. Tuy không có những hoạt động sôi nổi như ở Sài Gòn hay Hà Nội, nhưng sự có mặt của nhiều trí thức có tên tuổi ở đây đã tạo cho Huế một diện mạo riêng, đặc biệt là những trí thức tuy phải nhận đồng lương của chính quyền bảo hộ, nhưng không hề hợp tác với chính quyền trong các lĩnh vực chính trị và văn hóa. Tuy mỗi người làm việc trên mỗi lĩnh vực khác nhau, nhưng giữa họ vẫn có một mối liên hệ vô hình đồng thanh tương ứng, ta có thể kể đến các tên tuổi: Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Đình Đàn, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Lân, Tôn Quang Phiệt, Thân Trọng Phước, Thân Trọng Khôi... Chính vì vậy mà những người trí thức này được các thành phần quan lại, Tây cũng như ta nể trọng. Sự thật thì bác sĩ Thân Trọng Phước đã trở thành bác sĩ gia đình cho nhiều gia đình quan lại và công chức cao cấp ở Huế. Đó cũng là cái vỏ bọc tốt giúp cho ông hoạt động xã hội mà không bị nhà chức trách làm phiền. Phòng khám bệnh của ông không những chữa cho người có tiền, mà đối với người nghèo ông vẫn thường có châm chước. Mỗi tuần ông đã dành ngày chủ nhật để khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Với tinh thần trách nhiệm cao, gặp những trường hợp không đủ khả năng điều trị, ông thường nhờ các đồng nghiệp ở Huế chia sẻ giúp.
Thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương 1936-1939, đảng bộ Đảng cộng sản Đông Dương ở Huế chủ trương mở rộng các tổ chức ái hữu, trong đó nổi lên ái hữu của thợ may mà Đoàn Quang Thìn, thành ủy viên, là người lãnh đạo cùng với Lê Văn Chất (làm việc ở hiệu may Aux ciseaux d’argent trên đường Paul Bert, tức Trần Hưng Đạo ngày nay). Thông qua liên hệ của Lê Viêm làm nghề nhiếp ảnh, Thân Trọng Phước đã tiếp xúc với nhóm ái hữu thợ may và cùng tham gia sinh hoạt với anh em thợ thuyền [3]. Khi cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Chủ tịch Viện dân biểu Trung Kỳ, thì những người cộng sản cũng chủ trương vận động để Thân Trọng Phước được bầu vào Hội đồng dân biểu. Đó là cơ hội cho ông có tiếng nói trong các vấn đề xã hội của địa phương.
*
* *
Cách mạng Tháng 8 đã đem lại một luồng sinh khí mới trong cuộc đời của Thân Trọng Phước. Từ nay ông không còn phải dấu mình nữa mà đã công khai đứng về phía cách mạng. Rời bỏ phòng khám bệnh tư, ông đứng ra xây dựng lại bệnh viên Huế, vượt qua giai đoạn khó khăn khi tất cả các bác sĩ người Pháp không còn nữa. Ông phụ trách phòng phẫu thuật của bệnh viện, một công việc hết sức nặng nề trong hoàn cảnh thiếu thốn của đất nước khi mới giành chính quyền. Ông còn được bầu làm Giám đốc Hội Hồng thập tự Trung Bộ, mà vai trò lúc này rất quan trọng, nhằm bổ sung nhân lực cho các hoạt động cứu thương trong quân đội cũng như trong nhân dân ở các địa phương chưa hề được hưởng thụ sự chăm sóc y tế. Ông không ngần ngại đi về tận làng quê, đến những vùng xa xôi, giúp đồng bào vượt qua những khó khăn thiếu thốn của một đất nước sau chiến tranh và đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh mới.
Cùng gánh vác với ông trong công việc xã hội chính là người bạn đời cùng chí hướng, bà Hoàng Thị Vệ, lúc này cũng đang hăng hái hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Bà được mời tham gia Uỷ ban hành chính thị xã Huế năm 1945 - 1946. Một điều không ai biết là chính trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng 8 đó, ông bà Thân Trọng Phước đã tự nguyện gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương, điều mà ít người trí thức thời đó nghĩ tới. Những tâm nguyện từ hồi trẻ, trong những năm ở Vinh cũng như ở Huế, đến bây giờ mới có cơ hội thực hiện. Đối với người ngoài, ông bà Thân Trọng Phước chỉ là những trí thức "trùm chăn", không quan tâm đến các vấn đề chính trị, giao du nhiều với tầng lớp "thượng lưu" hơn là với những người cách mạng. Nhưng bên trong, ông bà chính là cơ sở tin cậy của đảng bộ địa phương. Những người con lớn của ông bà là Thân Thị Thúy Hồng (còn gọi là Bê) và Thân Trọng Hiến cũng đem hết nhiệt tình của tuổi trẻ tham gia các hoạt động của phụ nữ và thanh niên.
Đào Hùng *
----------------------------------------------------------------------
* Phó Tổng biên tập tạp chí “Xưa và nay” - Hà Nội.
Uy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.
[1] Trần Thị Như Mân (bà Đào Duy Anh), Sống với tình thương, Nxb Trẻ, 1992, tr. 15.
[2] Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, Nxb Văn nghệ Tp HCM, 2003, tr. 47.
[3] Nói chuyện với thiếu tướng Đoàn Quang Thìn ở Hà Nội ngày 19/9/2004.
|