Hơn 30 năm về trước, khi còn là một sinh viên Đại Học, lần đầu tiên được nghe hai vị thầy khả kính của chúng tôi nhắc đến họ Thân: thầy Phan Văn Dật (ở Huế) và thầy Nghiêm Thẩm (ở Sài Gòn).
Bia Ngài Thân Trọng Tiết ( 1828 - 1858) tại Văn Thánh, Huế
Trong một bài giảng ở trường Đại học Văn khoa Huế , thầy Phan Văn Dật có nhắc lại một câu mà theo ông, là của vua Tự Đức:
“ Nhất Thân nhì Hà, thiên hạ vô gia,
Nhất Hà nhì Thân, thiên hạ vô dân”;
Ý nói dưới triều Nguyễn (1802- 1945), họ Thân và họ Hà đều có những người học hành đỗ đạt và ra làm quan, không có ai làm dân trong thiên hạ, và họ cũng không ở nhà riêng như thiên hạ, bởi đều ở tại công đường (Bộ đường, Tỉnh đường, Phủ đường, Huyện đường).
Tất nhiên câu nói ấy có quá lời, nhưng cũng nói lên một phần sự thật lịch sử.
Và, sau khi hướng đẫn tôi làm xong luận văn sau Đại học tại Sài Gòn, thầy Nghiêm Thẩm đã gợi ý và khuyên tôi thực hiện một công trình nghiên cứu với nhan đề (Xin nhắc lại nguyên văn bằng tiếng Pháp của thầy): “Les grandes familles de Huế “ (Các đại tộc ở Huế) mà theo lời thầy, trong đó có họ “Thân Trọng”. Mặc dù cả hai vị thầy của tôi đã quá vãng từ lâu, nhưng tôi vẫn nhớ mãi những lời dạy ấy về họ Thân.
Nay, nhân dịp Hội đồng Thân tộc tổ chức cuộc Hội thảo này, tôi chỉ xin đóng góp phần rất nhỏ bằng cách cung cấp một ít tư kiệu có được trong tay liên quan ít nhiều đến hai nhà khoa bảng họ Thân dưới triều Nguyễn: Tiến sĩ Thân Trọng Tiết và Phó bảng Thân Trọng Ngật.
Phần lớn những tư liệu sau đây là tư liệu gốc, tư liệu bậc một, hoặc bằng chữ Hán do một vị quan triều Nguyễn ký tái, hoặc bằng tiếng Pháp do các quan chức của Phủ toàn quyền Đông Dương thực hiện.
Thân Trọng Tiết (1828 - 1858) nguyên quán làng An Lỗ, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên, đậu Cử nhân năm 1850 lúc 24 tuổi, đỗ đầu khoa thi Hội (Hội nguyên) vào năm sau đó, 1851.
Thuộc vào dòng dõi có nhiều người thi đỗ: riêng dưới triều Nguyễn, ông là em trai của cử nhân Thân Văn Nhiếp (khoa 1841), cha của các cử nhân Thân Trọng Điềm (khoa 1878), Thân Trọng Lẫm (khoa 1888), Thân Trọng Khoái ( khoa 1888).
Ông làm việc ở Tập Hiền Viện, giữ chức Thị độc (trật Chánh ngũ phẩm), sau đó thăng chức Thị giảng (trật Tòng Tứ phẩm).
Về tư liệu gốc có liên quan đến Tiến sĩ Thân Trọng Tiết, tôi xin cung cấp ba tư liệu chữ Hán và ba ảnh chụp liên quan:
1. 1. Đoạn văn ngữ chữ Hán về cử nhân Thân Trọng Tiết trong sách “Quốc triều Hương khoa lục” của Cao Xuân Dục, được in lần đầu tiên năm 1893. Đây được xem là “lý lịch trích ngang” của một người đỗ khoa thi Hương. Thân Trọng Tiết đỗ khoa thi năm Canh tuất, Tự Đức thứ 3 (1850), tại trường thi Thừa Thiên. Đoạn lý lịch ấy như sau:
Nguyên văn [1]:
Phụ tử huynh đệ đăng khoa. Thân Trọng Tiết, Phong Điền, An Lỗ. Nhiếp chi đệ, Điềm, Khoái, Lẫm chi phụ. Tân Hợi khoa Tam giáp. Quan thị độc.
(Thân Trọng Tiết: Cha con anh em cùng đỗ. Người làng An Lỗ, huyện Phong Điền. Là anh em của (Thân văn) Nhiếp, cha của (Thân Trọng) Điềm, (Thân) Khoái, (Thân Trọng) Lẫm. Thi đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851). Làm quan tới chức Thị độc[2]).
1. 2. Đoạn văn chữ Hán viết về Tiến sĩ Thân Trọng Tiết trong sách “Quốc triều Khoa bảng lục” của Cao Xuân Dục, được in năm 1894. Đây cũng là “lý lịch trích ngang” của một người đỗ khoa thi Hội và thi Đình. Thân Trọng Tiết đỗ đầu khoa thi Hội năm Tân Hợi, Tự Đức thứ 4 (1851), nhưng khi vào thi Đình thì ông được xếp hạng “Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân”. Đoạn lý lịch ấy như sau [3]:
“Hội nguyên, Thân Trọng Tiết, Thừa Thiên, Phong Điền, An Lỗ. Cử nhân Trọng Nhiếp chi đệ, Trọng Điềm, Trọng Khoái, Trọng Lẫm chi phụ. Mậu Tý, nhị thập tứ. Canh Tuất Cử nhân. Tập hiền viện thị giảng”.
(Thân Trọng Tiết: Đỗ đầu khoa thi Hội. Người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Là anh em của Cử nhân (Thân Văn) Nhiếp[4] cha của các Cử nhân Trọng Điềm, Thân Khoái [5], Trọng Lẫm. Sinh năm Mậu tý (1828), đỗ năm 24 tuổi. Nguyên đỗ Cử nhân khoa Canh Tuất 1850. Hiện giữ chức Thị giảng [6] ở Viện Tập Hiền [7]).
1. 3. Đoạn văn chữ Hán viết về Thân Trọng Tiết được khắc trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Huế. Ở Văn Miếu Huế hiện nay còn đủ 32 tấm bia Tiến sĩ được khắc dựng dưới triều Nguyễn. Tiến sĩ Thân Trọng Tiết thuộc khoa thi Hội năm Tân Hợi, Tự Đức thứ 4 (1851). Kết quả của khoa này đã được khắc ở tấm bia thứ 15, thuộc dãy bia bên trái (từ miếu chính nhìn ra). Nhưng, hầu hết các chữ trên bia đá này, cũng như nhiều tấm bia khác tại đây, trải qua sự tác động của mưa gió trên dưới một thế kỷ rưỡi, đã bị bào mòn, nay không còn đọc được nữa. Tuy nhiên, tôi đã may mắn tiếp cận được thác bản của tấm bia này do Trường Viễn Đông Bác Cổ tổ chức thực hiện vào khoảng những năm 1925 - 1945 (cùng với khoảng 25.000 thác bản của những tấm bia khác khắp trong nước [8] và hiện nay đang được lưu trữ tại Viện Nghiê cứu Hán Nôm ở Hà Nội [9]). Trên bản dập này, đoạn về Tiến sĩ Thân Trọng Tiết như sau:
“ Thân Trọng Tiết: Cử nhân. Niên canh Mậu Tý, nhị thập tứ tuế. Thừa Thiên phủ, Phong Điền huyện, Hiền Lương tổng, An Lỗ xã”.
(Thân Trọng Tiết: nguyên đỗ Cử nhân. Sinh năm Mậu Tý (1828), [đỗ Tiến sĩ năm hai mươi bốn tuổi]. Người làng An Lỗ, tổng Hiền Lương, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên [10]).
1. 4. Ba ảnh chụp liên quan đến tấm bia Tiến sĩ thuộc khoa thi Hội năm 1851, trên đó có khắc tên họ, tuổi tác và quê quán của Thân Trọng Tiết:
1. 4.1. Ảnh chụp bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Huế.
1. 4.2. Ảnh chụp thác bản tấm bia Tiến sĩ ấy.
1.4.3. Ảnh chụp chi tiết đoạn văn bia ghi khắc tên họ và tuổi tác của Tiến sĩ Thân Trọng Tiết trên thác bản tấm bia.
Phan Thuận An*
-------------------------------------------------
* Tp. Huế.
[1] Cao Xuân Dục, Quốc triều Hương khoa lục, bản in năm 1893, quuyển 3, tờ 19a. Xem phụ bản 1.
[2] Tham khảo thêm: Quốc triều Hương khoa lục, bản dịch của Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr295 - 296.
[3] Cao Xuân Dục, Quốc triều Hương khoa lục, bản in năm Giáp Ngọ thời Thành Thái (1894), Long Cương tàng bản, quyển 2, tờ 7a. Xem phụ bản 2.
[4] Nguyên bản ghi là Trọng Nhiếp. Thật ra đây là Thân Văn Nhiếp.
[5] Nguyên bản ghi là Trọng Khoái, thật ra đây là Thân Khoái. Trong Quốc triều Hương khoa lục, chính tác giả Cao Xuân Dục đã ghi là Thân Khoái, không có chữ Trọng lót giữa họ và tên (xem quyển 4, tờ 7b).
[6] Thị giảng: Có lẽ “Thị giảng” là chữ viết tắt của từ “Thị giảng Học sĩ”, là chức quan lo việc giảng dạy các kinh sách cho vua và các triều thần chủ chốt để bồi bổ kiến thức trị nước. Thị giảng Học sĩ ở Viện Tập Hiền có trật Tòng Tứ phẩm. Trong khi đó, chức Thị độc Học sĩ ở cơ quan này có trật Chánh Ngũ Phẩm.
[7] Tham khảo thêm: Quốc triều Đăng khoa lục, bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Bộ Quốc Gia Giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1962, tr116.
[8] Di sản Hán nôm Việt Nam, Thư mục đề yếu, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, Dẫn luận của GS. Trần Nghĩa, tập 1, tr20.
[9] Tham khảo thêm: Văn khắc Hán nôm Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, Lời dẫn của GSTS Nguyễn Quang Hồng, tr19.
[10] Tham khảo thêm phần nguyên văn, phiên âm và dịch nghĩa trong sách Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, chủ biên: Phạm Đức Thành Dũng, Vĩnh Cao, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000, tr276, 278, 280.
rong những thập niên 30 đến 50 của thế kỷ trước, ở Huế không mấy ai không biết đến cái tên Thân Trọng Phước (1902 - 190?)
Cuối năm 1995 tôi vào Đà Nẵng thường trú. Công việc thường nhật của tờ báo đã khiến tôi gặp nhiều nhân vật mang họ Thân
Thân Trọng Huề (1869 - 1925) tên chữ là Tử Trung, sinh năm 1869, quê gốc làng An Lỗ, huyện Phong Điền, đến ở tại làng Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, thành phố Huế
Trong kháng chiến chống Tống thế kỷ XI, các dân tộc thiểu số vùng núi rừng phía bắc cùng các tù trưởng của họ giữ vai trò rất quan trọng và có nhiều cống hiến xuất sắc, góp phần tạo nên thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp bảo vệ đất nước
Một gia đình tộc Thân ở Huế có 3 người thuộc 3 thế hệ đã từng làm quan ở Quảng Nam. Họ luôn để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân xứ Quảng!