Phó bảng Thân Trọng Ngật

Là con của Tri phủ Thân Trọng Trữ, Thân Trọng Ngật (1877 - 1946) đỗ Cử nhân năm 1903 dưới thời Thành Thái tại trường thi Thừa Thiên, rồi năm sau (1904), thi đỗ Phó bảng trong khoa thi Hội, lúc 28 tuổi.

Ông làm quan suốt 28 năm, từ 1905 đến 1933 thì về hưu. Hoạn lộ của ông đại khái như sau:
- Năm 1905, được bổ dụng làm Thừa phái ở Bộ Công.
- Từ năm 1909 đến năm 1919, làm Tri huyện rồi Tri phủ ở Thanh Hóa, Khánh Hòa và Quảng Bình.
- Năm 1919 - 1924, về Huế giữ chức Chưởng ấn Ngự sử ở Viện Đô Sát.
- Từ năm 1924 - 1928, ra làm Án Sát ở Quảng Trị, rồi Thanh Hóa.
- Từ năm 1828 đến năm 1832, vào giữ chức Bố chánh Quảng Nam, ra làm Bố chánh Hà Tĩnh, rồi trở lại Bố chánh Quảng Nam.
- Năm 1932, về Huế giữ chức Thự Tham tri ở Bộ Hình, qua năm sau thì về hưu với hàm Tham tri thực thụ.

Về tư liệu liên quan đến phó bảng Thân Trọng Ngật , tôi xin cung cáp một tư liệu chữ Hán và một tư liệu chữ Pháp, trong đó có in tấm ảnh chụp chân dung bán thân của ông.

2. 1. Đoạn văn chữ Hán viết về Phó bảng Thân Trọng Ngật trong “Quốc triều khoa bảng lục” [1]:
“Thân Trọng Ngật: Thừa Thiên, Phong Điền, An Lỗ. Cử nhân Nhiếp chi tôn, Cảnh chi đệ, Thoan chi điệt, Bính chi thúc. Đinh Sửu, nhị thập bát. Quý Mão Cử nhân. Hiện Hoằng Hóa Tri huyện”.

(Thân Trọng Ngật: người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Là cháu nội của Cử nhân Nhiếp, em của Cử nhân Cảnh, cháu của Cử nhân Thoan, chú của Cử nhân Bính. Sinh năm Đinh sửu 1877, đỗ năm 28 tuổi. Nguyên đỗ Cử nhân năm Quí Mão 1903. Hiện làm Tri huyện Hoằng Hóa [2]).

2. 2. Đoạn văn chữ Pháp viết về Thân Trọng Ngật trong quyển “Souverains et Notabilités d’Indochine” do phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản vào năm 1943 tại Hà Nội. Rất đáng tiếc là trong đoạn tiểu sử này, chữ Thân đã bị in nhầm thành chữ Trần và có một số lỗi ‘morasse” khác. Tôi xin mạo muội kiểu chính như sau:

“M.Thân Trọng Ngật, né en 1877 à An Lỗ (Thừa Thiên, An Nam).
Fils de feu M. Thân Trọng Trữ, ancien Tri phủ.
Recu Cử nhân en 1903, Phó bảng en 1904.
Nommé Thừa phái au Ministère des Travaux Publics en 1905.
Tri huyện de Hoằng Hóa en 1909.
Tri phủ de Ninh Hòa en 1915.
Tri phủ de Vĩnh Linh en 1917.
Ngự sử au Conseil de Censure en 1919.
Án sát de Quảng Trị en 1924.
Án sát de Thanh Hóa en 1926.
Bố chánh de Quảng Nam 1928.
Bố chánh de Hà Tĩnh en 1929 puis Bố chánh de Quảng Nam en 1930.
Tham tri au Ministère de Justice en 1932.
Admis à la retraite avec le grade de Tham tri titulaire en 1933.
promu Ministre honoraire en retraite (1934).
Officier du Dragon d/Annam (1932).
Grand Officier du Mérite Agricole (1937)”
 [3].

(Ông Thân Trọng Ngật sinh năm 1877 tại làng An Lỗ, phủ Thừa Thiên, Trung Ky).
Con trai thừa tự của cựu Tri phủ Thân Trọng Trữ.
Thi đỗ Cử nhân năm 1903, Phó bảng năm 1904.
Được bổ dụng làm Thừa phái ở Bộ Công năm 1905.
Tri huyện huyện Hoằng Hóa năm 1909.
Tri phủ phủ Ninh Hòa năm 1915.
Tri phủ phủ Vĩnh Linh năm 1917.
Ngự sử ở Viện Đô Sát năm 1919.
Án sát tỉnh Quảng Trị năm 1924.
Án sát tỉnh Thanh hóa năm 1926.
Bố chánh tỉnh Quảng Nam năm 1928.
Bố chánh tỉnh Hà Tĩnh năm 1929 rồi Bố chánh tỉnh Quảng Nam năm 1930.
Tham tri ở Bộ hình năm 1932.
Được về hưu với hàm Tham tri thực thụ năm 1933.
Được tặng quan hàm danh dự Thượng thư Trí sự (1934).
Nhận huân chương Long bội tinh (1932).
Huân chương Đại hạng Nông nghiệp Bội tinh (1937).

Nhìn chung, trên đây chỉ là một ít tư liệu về hai nhà khoa bảng đỗ đạt cao nhất của Thân tộc dưới triều Nguyễn và một số nét về hoạn lộ của họ. Ngoài ra, sử sách cho biết họ Thân còn có 9 vị khác thi đỗ Cử nhân và ra làm quan từ thời Gia Long đến thời Bảo Đại. Cho nên, trong những sách viết về khoa cử triều Nguyễn, các tác giả cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần những cụm từ “Nhiều đời thi đậu”, “Anh em cùng thi đậu”, “Cha con anh em cùng thi đậu”, khi viết về sự đỗ đạt của những ông nghè, ông cống họ Thân. Đó là chưa kể đến nhiều thành viên khác nữa thuộc Thân tộc đã từng ở chốn quan trường dưới triều đại ấy. Điều này chứng tỏ câu truyền ngôn “Nhất Thân nhì Hà...” có lý của nó.

Huế, tháng 9/2004
Phan Thuận An

--------------------------------------------------------------
[1] Cao Xuân Dục, Quốc triều khoa bảng lục, quyển 4, tờ 9b, bản viết tay, nguyên được lưu trữ tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội.
[2] Tham khảo thêm: Quốc triều Đăng khoa lục, bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Sđd, tr244.
Huyện Hoằng Hóa thuộc tỉnh Thanh Hóa. Phó bảng Thân Trọng Ngật làm Tri huyện Hoằng Hóa từ năm 1809 - 1815.
[3] Souverains et Notabilités d’ Indochine, Editions du Gouvernement Général de l’Indochine, Nhà in Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, 1943, tr58.

Bài viết khác

Thân Bá Phức

Thân Bá Phức (1822-1898)

Tiến sĩ Thân Trọng Tiết

Hơn 30 năm về trước, khi còn là một sinh viên Đại Học, lần đầu tiên được nghe hai vị thầy khả kính của chúng tôi nhắc đến họ Thân: thầy Phan Văn Dật (ở Huế) và thầy Nghiêm Thẩm (ở Sài Gòn).

Thân Trọng Phước và gia đình những gương mặt tri thức Huế

rong những thập niên 30 đến 50 của thế kỷ trước, ở Huế không mấy ai không biết đến cái tên Thân Trọng Phước (1902 - 190?)

Thân Đức Nam – Doanh nhân văn hoá

Cuối năm 1995 tôi vào Đà Nẵng thường trú. Công việc thường nhật của tờ báo đã khiến tôi gặp nhiều nhân vật mang họ Thân

Thân Trọng Huề một nhân vật lịch sử có tư tưởng canh tân, một nhà văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX

Thân Trọng Huề (1869 - 1925) tên chữ là Tử Trung, sinh năm 1869, quê gốc làng An Lỗ, huyện Phong Điền, đến ở tại làng Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, thành phố Huế